Bộ trưởng Tài chính: Đảm bảo tính bền vững của ngân sách

19:20' - 29/10/2018
BNEWS Tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54 - 55% kế hoạch.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, trong phiên thảo luận sáng 29/10 tại hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021…, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Giảm tỷ trọng chi thường xuyên và vay ngoài nước

Về kết quả thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 và tính bền vững của ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực. Một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn.

Tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54 - 55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch).

Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016 – 2018 bằng 1,5 lần của giai đoạn bình quân giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 23% xuống còn 18% trong cùng kỳ.

Về việc một số đại biểu nêu ý kiến về số tăng thu ngân sách nhà nước trong 3 năm qua chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận điều này là đúng vì khoản thu này phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của chính quyền từng địa phương.

Trong chi ngân sách, kết quả cơ cấu lại cũng khá tích cực, sớm đạt yêu cầu theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Theo đó, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ hơn, cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 bội chi ngân sách nhà nước là 5,79% GDP thì năm 2018 dự kiến chỉ còn 3,67% GDP.

Đồng thời, các khoản nợ công được kiểm soát chặt chẽ; bố trí trả nợ đầy đủ. Nhờ vậy, tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa, từ mức 18% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 9,6% của 3 năm 2016 – 2018.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, tỷ trọng vay ngoài nước của Chính phủ đã giảm từ 61% năm 2011, xuống còn khoảng 40% trong 9 tháng đầu năm 2018, góp phần làm giảm sức ép rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất trên thị trường quốc tế.

Giải trình về nghĩa vụ chi trả nợ gốc có xu hướng tăng nhanh khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu nguyên nhân, trong giai đoạn 2012-2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu chi trả nợ gốc chủ yếu rơi vào thời điểm hiện nay. Đồng thời, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay ODA, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

"Tuy nhiên, so với những năm trước, áp lực huy động cho ngân sách nhà nước, bao gồm vay cho bù đắp bội chi và trả nợ gốc – hay nôm na là vay đảo nợ, đã giảm mạnh”, Bộ trưởng khẳng định. Việt Nam đã từng bước xử lý được các khoản nợ còn treo ngoài ngân sách trước đây, trong đó có khoản 22 nghìn tỷ đồng nợ của Bảo hiểm xã hội, đã báo cáo Quốc hội, đưa vào nợ công và bố trí trả nợ dần cả gốc và lãi.

Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định tình hình tài chính công của Việt Nam trong trung hạn ở mức ổn định, rủi ro khủng hoảng nợ ở mức thấp.

Về chỉ tiêu nợ nước ngoài đã sát ngưỡng cho phép 50% GDP, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để giải quyết thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn ngoài nước; không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu ngân hàng, cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại.

Khẳng định kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm qua là tích cực, bám sát Nghị quyết Quốc hội, tính bền vững ngân sách nhà nước được củng cố, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong trường hợp không có những biến động lớn, thì cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đang trình Quốc hội, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 sẽ cơ bản được hoàn thành.

Tăng cường phối hợp quản lý vốn ODA

Thông tin về một số nội dung liên quan đến thực hiện và giao dự toán thu từ các khu vực kinh tế và một số địa phương trọng điểm thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Chính phủ báo cáo ước thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 97,1% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8% dự toán.

Mặc dù không đạt dự toán, nhưng thu ngân sách nhà nước từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 vẫn tăng trưởng khá (khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 9,7%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,7%), tính chung 3 khu vực tăng khoảng 12,8%. Bộ trưởng khẳng định, đây là mức tích cực so với đánh giá tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 6,7% và lạm phát khoảng 4%.

Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh kết quả trên còn có phần đóng góp rất lớn của các địa phương, đặc biệt là 16 địa phương có điều tiết thu về ngân sách Trung ương (chiếm trên 70% tổng thu nội địa). Đây là các địa phương có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa thu ngân sách ...

Trong vấn đề quản lý vốn ODA, Bộ trưởng nêu rõ, để triển khai quy định của Luật Quản lý nợ công, đến nay Chính phủ đã ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn; bản thân Bộ Tài chính cũng đã, đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ để triển khai các công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ mới được giao.

Tuy nhiên, việc phân bổ, giao dự toán và quản lý nguồn vốn ODA từ trước đến nay vẫn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp với nhau tốt hơn trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ.

Về phương án phân bổ đầu tư công trung hạn, trong kế hoạch tài chính 5 năm, Bộ trưởng kiến nghị với Quốc hội cho thông qua chủ trương sử dụng dự phòng đầu tư công trung hạn trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu về bội chi và nợ công theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương trong 2 năm 2019 – 2020.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị rà soát lại danh mục và mức vốn để sử dụng và Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất./.

>>>Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình về kế hoạch đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục