Đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh: Cần thực chất và nỗ lực hơn

20:45' - 15/07/2018
BNEWS Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành phải rà xét và xây dựng phương án, nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ trước ngày 15/8/2018.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành phải rà xét và xây dựng phương án, nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ trước ngày 15/8/2018.

Như vậy là sớm hơn so với hạn định là ngày 30/10 theo yêu cầu đề ra tại Nghị định 01/2018/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Chính phủ mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, đây là một thách thức rất lớn, nhất là khi quá trình soạn thảo nghị định và chờ thủ tục thông qua nghị định cũng sẽ mất không ít thời gian.

Đó là chưa kể, chất lượng đơn giản hóa thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh được cắt giảm chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó và không thực chất.

Theo yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có.

Tuy nhiên theo thông tin hiện có của VCCI, tính đến tháng 6/2018, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành; còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành khác vẫn đang trong quá trình xây dựng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các bộ khác như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp mới chỉ có Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Những bộ còn lại đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không có thông tin, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Qua thực tiễn khảo sát, nhiều doanh nghiệp bày tỏ rằng, thực chất một số đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không đem lại nhiều ý nghĩa cho doanh nghiệp; mức độ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là không đáng kể.

Ví dụ như theo ghi nhận của VCCI, hầu hết các điều kiện liên quan đến nhân thân như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ trong nhiều phương án.

Thực tế thì điều kiện này có cũng như không (vì theo lẽ thông thường, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động, sẽ phải chọn lựa những người đủ tuổi, bình thường về nhận thức; không ai tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi vào làm việc. Nhất là, điều kiện kèm theo của nhân thân thường là các bằng cấp chuyên môn.

Để có được những loại bằng cấp này thì đương nhiên họ phải có “năng lực hành vi dân sự);

Hay phương án đề xuất đơn giản hóa điều kiện kinh doanh tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Theo đó, doanh nghiệp phải “Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được các vị trí trong cửa hàng miễn thuế vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ trong 12 tháng”...;

Đối với ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển”, một trong những điều kiện kinh doanh là phải có bộ phận/cán bộ phụ trách pháp chế, quy định trong Bộ luật Hàng hải, Nghị định 160/2016/NĐ-CP chỉ hướng dẫn chi tiết.

Đây được xem là điều kiện chưa phù hợp, can thiệp một cách bất hợp lý vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, đã được doanh nghiệp phản ánh rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong phương án vẫn không đề xuất bỏ, bởi vì “vướng” Luật....

Mới đây, 7 hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã thống nhất kiến nghị tới một số cơ quan Chính phủ xem xét sửa đổi một số văn bản như Nghị định 09/2016/NĐ-CP; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 12/2017/TT-BKHCN của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ theo hướng đổi mới phương thức quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Theo ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, phải ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiệu kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực sự có một môi trường đầu tư, kinh doanh "mở" và thông thoáng hơn, có lẽ chừng đó còn chưa đủ để khiến các nhà đầu tư kể cả trong và ngoài nước thấy được sự hấp dẫn, tiềm năng để họ sẵn sàng đầu tư, chấp nhận rủi ro kinh doanh trong thời buổi hiện nay.

Từng đảm đương nhiều giữ vị trí cao nhất của các công ty đầu tư, xây dựng tại thành phố Đà Nẵng nên có nhiều kinh nghiệm xử lý những vướng mắc liên quan tới các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung khẳng định, nếu Nhà nước cứ kêu gọi cải cách thể chế, đổi mới nền kinh tế nhưng hệ thống các quy định, quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp không có sự thay đổi, cải tiến tích cực và đồng bộ theo xu hướng chung thì hiệu quả đạt được sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ông Hải cho rằng, điều này cũng khó hỗ trợ được doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và đương nhiên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, cá nhân ông Hải cũng thấy còn rất nhiều điều kiện kinh doanh có thể lược bỏ; thậm chí phải thay đổi cho phù hợp với thời cuộc, có như thế, doanh nghiệp mới có động lực để làm việc, để bứt phá và để phát triển.

Trước thực tế này, VCCI đề xuất kiến nghị các phương án cải cách cần mang tính triệt để; các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật, để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý; khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ cần tích cực tham vấn ý kiến VCCI và từ các hiệp hội liên quan.

Trong nội bộ từng bộ, đề nghị các Bộ trưởng không giao cho các Vụ, Cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những đơn vị nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình.

Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác..../.

Xem thêm:

>>>Thủ tướng chỉ thị tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành​

>>>Dự thảo Nghị định về hạ tầng thương mại sẽ không phát sinh điều kiện kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục