Bộ Xây dựng: Nếu phát hiện sai phạm phải thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán sai đối tượng

18:20' - 03/06/2023
BNEWS Các quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội đã minh bạch, công khai nhằm đưa sản phẩm đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh trục lợi chính sách.

Nếu phát hiện sai phải thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán sai đối tượng.

 

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/6.

Thời gian gần đây dự luận phản ánh việc nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm mà nhu cầu về phân khúc này lại rất cao khiến phát sinh khâu trung gian.

Đây cũng là yếu tố dẫn đến một số hành vi tiêu cực, giảm niềm tin về chính sách nhân văn của loại hình nhà ở xã hội.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách nhà ở xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, Chính phủ đầu tư và tạo điều kiện phát triển. Trong số các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội có nhiều quy định ưu đãi, tạo điều kiện để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn.

Cùng với việc ban hành các chính sách ưu đãi là quy định pháp lý để xác định đối tượng thụ hưởng với tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh trục lợi các chính sách này – Thứ trưởng Nguyên Văn Sinh nhấn mạnh.

Theo đó, pháp luật liên quan đối tượng thụ hưởng các chính sách về nhà ở xã hội được ban hành đã rất rõ. Cụ thể theo Luật Nhà ở năm 2014 (Điều 49 và Điều 50) thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ giải quyết cho một số đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.

Cùng đó là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

Bên cạnh đó, để được mua nhà ở xã hộ, các đối tượng nêu trên phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở như chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2/người; cư trú và thu nhập… Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần.

Tùy theo từng đối tượng cụ thể, pháp luật nhà ở đã quy định cụ thể việc xác nhận về đối tượng, điều kiện thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, điều kiện thu nhập cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ sở đào tạo và các cơ quan có liên quan. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận Hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật công khai danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội 1 lần.

Như vậy, quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội đã rất minh bạch, công khai, hạn chế việc trục lợi chính sách. Tuy nhiên, phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh hiện tượng một số đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để mua - bán trục lợi thì đây là hành vi thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đảm bảo việc mua - bán nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Đăk Lăk…, yêu cầu UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và gửi báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Xây dựng.

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phương nhập cuộc triển khai.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, từng bước chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện một số giải pháp.

Đối với chính quyền địa phương, cần quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội; tổ chức quản lý và theo dõi chặt chẽ việc mua bán; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.

Về phía doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc mua – bán nhà ở xã hội, bán đúng giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, chủ đầu tư cần có thông báo chính thức tại dự án, trang thông tin của đơn vị hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Pháp luật nhà ở hiện hành quy định việc người mua nhà phải ký hợp đồng mua – bán nhà ở xã hội thực hiện trực tiếp với chủ đầu tư. Do vậy, để có thông tin chính thức, xác thực, đề nghị người dân liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư hoặc truy cập vào Cổng thông tin của Sở Xây dựng để nắm bắt thông tin chính thống, được hướng dẫn để làm các thủ tục mua – bán nhà ở xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục