Boeing đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử

13:18' - 13/03/2019
BNEWS Boeing đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, do hai vụ rơi máy bay liên quan đến một phiên bản của mẫu máy bay này là 737 MAX 8.

 Máy bay Boeing 737 MAX 7 tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Hồi tháng 1/2019, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo năm 2019 sẽ là năm kỷ lục về lợi nhuận và số lượng máy bay chuyển giao nhờ mẫu Boeing 737 MAX bán chạy nhất.

Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, nhà chế tạo này đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, do hai vụ rơi máy bay liên quan đến một phiên bản của mẫu máy bay này là 737 MAX 8.

Ngày càng nhiều hãng hàng không và các quốc gia cấm hoặc dừng khai thác máy bay 737 MAX 8 sau khi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines rơi vào cuối tuần trước, khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trong khi vụ tai nạn thảm khốc hồi tháng 10 năm ngoái của Lion Air cũng liên quan đến MAX 8 đã cướp đi sinh mạng của 189 người.

Mẫu 737 MAX, được trình làng vào tháng 5/2017, là phản ứng của Boeing để cạnh tranh với Airbus A320 NEO, mẫu máy bay đã cho phép hãng chế tạo Airbus của châu Âu "qua mặt" Boeing trên thị trường chặng trung.

Mẫu này có bốn phiên bản là MAX 7, 8, 9 và 10, khác nhau về số lượng hành khách có thể chuyên chở. Dòng MAX 8 có giá niêm yết 121,6 triệu USD và đóng góp 1/3 lợi nhuận của Boeing trong năm ngoái .

Tính đến cuối tháng 1/2019, 4.661 chiếc 737 MAX đã được đặt mua, chiếm gần 80% lượng đặt hàng của Boeing.

Hãng chế tạo máy bao của Mỹ sản xuất 52 chiếc mỗi tháng và dự kiến tăng lên 57 chiếc/tháng trong năm nay, trong mục tiêu chung là chuyển giao 895-905 máy bay trong năm, một con số kỷ lục.

Hiện chưa có hãng hàng không nào chính thức hủy đơn đặt hàng Boeing 737 MAX nhưng thông tin từ giới truyển thông cho thấy Lion Air sẽ thay thế MAX 8 bằng máy bay của Airbus.

Giá cổ phiếu của Boeing giảm hơn 11% kể từ sau vụ tai nạn, khiến gần 27 tỷ USD giá trị thị trường của hãng bị "bốc hơi".

Khó có thể ước tính thiệt hại mà Boeing phải gánh, nhưng giới phân tích đang dự đoán nhiều kịch bản. Nếu hai vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air là do cùng một nguyên nhân, thiệt hại kinh tế là rất nhỏ, bởi Boeing sẽ chỉ cần cập nhật phần mềm kiểm soát và hướng dẫn bay đang lưu hành, với chi phí theo ước tính chưa đến 1 tỷ USD.

Nhưng nếu các nhà điều tra phát hiện nguyên nhân khác, thiệt hại của Boeing sẽ lớn hơn nhiều, bởi 737 MAX có thể bị buộc dừng khai thác trong thời gian dài và sẽ liên quan đến việc sửa chữa và bồi thường, buộc các hãng hàng không phải thay thế máy bay khác để thực hiện các chuyến bay. Với kịch bản bày, mục tiêu sản xuất 57 chiếc 737 MAX của Boeing sẽ bị ảnh hưởng.

Cuộc khủng hoảng đã làm xấu đi hình ảnh của Boeing, hãng đã kỷ niệm một thế kỷ ra đời vào năm 2016, khi các vụ tai nạn đã gây nghi ngại về độ an toàn về máy bay do hãng sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục