BoJ: Thị trường tài chính Nhật Bản vẫn chưa ổn định

09:35' - 25/08/2024
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cho biết thị trường tài chính Nhật Bản vẫn đang ở trạng thái "không ổn định".

Ông nhấn mạnh sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến này "với mức độ cảnh giác cực kỳ cao" sau khi thị trường chứng khoán biến động mạnh vào đầu tháng 8/2024 do tác động từ quyết định tăng lãi suất mới nhất của BoJ.

 

Ông Ueda phát biểu tại phiên họp quốc hội rằng: "Chúng tôi không thay đổi lập trường cơ bản về việc điều chỉnh mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ nếu ngân hàng trung ương xác nhận rằng Nhật Bản đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%".

Về khả năng tăng lãi suất thêm nữa, Thống đốc BoJ cho biết ngân hàng này sẽ đưa ra quyết định sau khi thận trọng đánh giá tác động của đợt tăng lãi suất gần nhất vào tháng Bảy đối với nền kinh tế và giá cả.

Ông Ueda cho biết sự biến động gần đây trên thị trường chứng khoán, được đánh dấu bằng mức sụt giảm kỷ lục của chỉ số chứng khoán Nikkei vào đầu tháng này, xuất phát từ lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ sau khi nước này tiếp nhận các dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến.

Trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 31/7, BoJ đã tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25%, từ mức dao động trong khoảng 0-0,1%.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư lớn vẫn đang đặt cược vào việc BoJ sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới, ngay cả sau khi thị trường giảm dần nhận định BoJ sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa trong năm nay.

Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn số hai thế giới, đã đẩy mạnh nắm giữ vị thế bán khống (bán trước mua sau) trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) vì vẫn thấy khả năng BoJ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12 tới.

Triển vọng về một đợt tăng lãi suất khác cũng đã thúc đẩy M&G Investment Management của Vương quốc Anh tiếp tục tăng bán khống trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, trong khi vẫn nắm giữ đồng yen. RBC BlueBay Asset Management tiếp tục bán  trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản.

Những động thái này trái ngược với thị trường hoán đổi qua đêm, nơi dự báo 29% khả năng BoJ tăng lãi suất vào cuối năm, giảm so với mức khoảng 63% hồi đầu tháng. Công ty quản lý đầu tư AllianceBernstein cũng nhận định rằng BoJ sẽ khó tăng lãi suất thêm vào năm 2024, trừ khi đồng yen giảm xuống dưới mức 160 yen/USD. Nhưng nếu ba công ty trên hành động đúng, việc BoJ thắt chặt chính sách hơn có thể thúc đẩy đồng yen và lợi suất JGB tăng.

Một loạt số liệu kinh tế yếu của Mỹ đã gây ra làn sóng bán tháo các khoản đầu tư rủi ro, bao gồm cả khoản giao dịch chênh lệch lãi suất bằng đồng yen. Nhiều nhà đầu tư coi bình luận của Phó Thống đốc Shinichi Uchida rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ kiềm chế việc tăng lãi suất khi thị trường bất ổn là một tín hiệu ôn hòa. Sau đó, những biến động trên chính trường Nhật Bản đã làm lu mờ thêm triển vọng BoJ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Sự đảo ngược mạnh mẽ trong kỳ vọng lãi suất tại Nhật Bản đã đẩy lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm giảm trong tháng này. Nhưng ông Mark Dowding, Giám đốc đầu tư tại BlueBay, vẫn tỏ ra kiên nhẫn với các đặt cược vào trái phiếu Nhật Bản khi kỳ vọng rằng BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đã ghi nhận thâm hụt thương mại 621 tỷ yen (4,3 tỷ USD) vào tháng Bảy, do giá hàng nhập khẩu tăng vọt.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.200 tỷ yen, trong khi xuất khẩu tăng 10% lên 9.600 tỷ yen (66 tỷ USD).

Nhập khẩu tăng đối với mặt hàng thịt và thực phẩm khác, cũng như sắt, cho thấy nền kinh tế trong nước tương đối khỏe mạnh, khi chi tiêu tiêu dùng cải thiện nhờ lương tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục