BoK có thể tăng lãi suất cơ bản sớm nhất vào tháng 10 tới

14:42' - 15/06/2021
BNEWS Nếu nền kinh tế Hàn Quốc duy trì tốc độ phục hồi vững chắc, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, sớm nhất vào tháng 10 theo như dự đoán.

Kể từ tháng Năm vừa qua, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã liên tục phát đi tín hiệu sẽ tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ để đối phó với những rủi ro từ thanh khoản dư thừa và áp lực lạm phát gia tăng nếu sự phục hồi kinh tế nước này vẫn duy trì sự ổn định như hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập BoK mới đây, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol nhấn mạnh rằng nếu nền kinh tế Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ phục hồi vững chắc, BoK sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại một cách có trật tự vào thời điểm thích hợp, tùy thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tình hình dịch COVID-19 và rủi ro mất cân bằng tài chính.

Vào thời điểm BoK quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% vào cuối tháng Năm vừa qua, Thống đốc Lee Ju-yeol cũng đã đề cập đến khả năng tăng lãi suất cơ bản trong năm nay khi nói rằng điều này sẽ "phụ thuộc vào tốc độ phục hồi".

Bên cạnh đó, BoK đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế Hàn Quốc lên 4% thay cho mức 3% đưa ra hồi đầu tháng Hai.

Đầu tuần trước, một quan chức cấp cao của BoK nói rằng việc tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục có thể không được xem là một chính sách thắt chặt tiền tệ.

Một số nhà theo dõi thị trường cũng dự đoán rằng thời điểm BoK tăng lãi suất cơ bản sớm nhất là vào tháng 10 tới. Giá cả tăng và nợ hộ gia đình tăng cao khiến các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cảm thấy ngày càng cần phải thực hiện việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Chỉ tính riêng trong tháng Năm vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 2,6% so với cùng kỳ của năm 2020, tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm. Chỉ số giá tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng 2,3% so với tháng Tư. Giá hàng hóa nhập khẩu tăng 2,6%.

Trong khi đó, tính đến tháng 3/2021, dư nợ hộ gia đình đạt mức cao kỷ lục 1.765 nghìn tỷ won (1,58 nghìn tỷ USD), tăng hơn 150 nghìn tỷ won so với một năm trước đó. Nguyên nhân chính là do lãi suất cơ bản thấp đã khuyến khích người dân vay nhiều tiền hơn để đầu tư vào cổ phiếu và tài sản.

Dư nợ hộ gia đình là tổng số tiền mà hộ gia đình vay từ ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty cho vay tài chính, tổ chức tài chính công cộng thêm cả số tiền mua hàng qua thẻ tín dụng chưa quyết toán.

Ngoài ra, giá trị cổ phiếu và bất động sản tăng cao cũng làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và có nguy cơ vỡ bong bóng tài sản.

Như Thống đốc Lee Ju-yeol đã lưu ý hồi tuần trước, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với những thay đổi của điều kiện kinh tế và tài chính là một quá trình cần thiết để đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững.

Theo đó, tất cả các thành phần kinh tế của Hàn Quốc hiện nay cần phải sẵn sàng cho việc tăng lãi suất và thực hiện các biện pháp chuẩn bị để giảm thiểu tác động.

Lãi suất cơ bản tăng thêm 1 điểm phầm trăm ước tính sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ cho các hộ gia đình khoảng 12 nghìn tỷ won/năm.

Nợ quốc gia của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 846,9 nghìn tỷ won vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên thành 965,9 nghìn tỷ won trong năm 2021 này khi chính phủ mở rộng chi tiêu để giảm thiểu hậu quả của đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế.

Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đang có kế hoạch lập ngân sách bổ sung thứ hai của năm 2021, trị giá lên tới 30 nghìn tỷ won.

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, Chính phủ Hàn Quốc nên tập trung vào việc tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao để giúp tăng thu nhập hộ gia đình. Hơn nữa, tái cơ cấu ngành công nghiệp và cải cách quy định cũng cần được đẩy mạnh để thúc đẩy sự thay đổi vốn được xem là công cụ quan trọng nhất để tạo thêm việc làm ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục