BoK: Nhiều người Hàn Quốc ủng hộ áp dụng mức lương tối thiểu riêng cho người giúp việc nước ngoài

08:57' - 17/03/2024
BNEWS Kết quả khảo sát được đưa ra sau khi BoK và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đầu tháng 3/2024 đã tổ chức một hội thảo chuyên ngành về thị trường lao động.

Kết quả cuộc khảo sát mới nhất cho thấy có tới 56,36% công chúng Hàn Quốc ủng hộ đề xuất của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) về việc áp dụng mức lương tối thiểu khác cho người giúp việc nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong các dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em.

Đây là kết quả của cuộc khảo sát do công ty thăm dò dư luận Searchtong của Tomato Group thực hiện từ ngày 12-14/3. Theo đó, tỷ lệ phản đối việc áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn quy định hiện hành của chính phủ là 43,64%.

 

Lý do phổ biến nhất để những người tham gia khảo sát ủng hộ việc áp dụng mức lương tối thiểu khác với quy định hiện hành là việc áp dụng “mức lương tối thiểu chênh lệch có thể được sử dụng ngay cả trong những ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng”.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy có 51,56% ủng hộ vì cho rằng “có nhiều quốc gia, chẳng hạn như Mỹ cũng áp dụng mức lương tối thiểu chênh lệch”. Trong khi đó chỉ có 9,38% người được hỏi nói rằng việc áp dụng mức lương khác với người giúp việc nước ngoài “có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho những gia đình có thu nhập thấp đang rất cần người chăm sóc”.

Trong số những người phản đối, có tới 54,35% cho rằng “pháp luật Hàn Quốc cấm phân biệt đối xử về tiền lương dựa trên quốc tịch”; tiếp đến có 26,9% cho rằng “việc áp dụng mức lương khác gây xung đột và chia rẽ xã hội không cần thiết”.

Kết quả khảo sát được đưa ra sau khi BoK và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đầu tháng 3/2024 đã tổ chức một hội thảo chuyên ngành về thị trường lao động và đưa ra dự báo đến năm 2042, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 1,55 triệu lao động ngành dịch vụ điều dưỡng gồm chăm sóc bệnh nhân, người gia và chăm sóc trẻ nhỏ. Nghiên cứu của BoK chỉ ra rằng do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, Hàn Quốc chỉ có thể đáp ứng 30% nhân lực lĩnh vực dịch vụ chăm sóc so với nhu cầu thị trường.

BoK cũng phân tích về gánh nặng chi phí về dịch vụ chăm sóc. Nếu tuyển một người chuyên chăm sóc cho bệnh nhân thì chi phí bình quân mỗi tháng vào năm 2023 là 3,7 triệu won (2.773 USD), gấp 1,7 lần so với thu nhập trung bình của hộ gia đình trên 65 tuổi và hơn 60% so với thu nhập trung bình của hộ gia đình ngoài 40, 50 tuổi. Nếu thuê người trông trẻ mỗi ngày 10 tiếng thì chi phí sẽ là 2,64 triệu won (1.978 USD)/tháng, bằng hơn một nửa so với thu nhập trung bình của hộ gia đình ngoài 30 tuổi.

Theo phân tích, gánh nặng chi phí như trên làm tước đi cơ hội được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc chất lượng, hạn chế hoạt động kinh tế của người phụ nữ, cuối cùng dẫn tới tỷ lệ sinh sẽ ngày càng giảm.

BoK chỉ ra rằng việc tuyển dụng lao động người nước ngoài là bất khả kháng với Hàn Quốc song cũng khuyến cáo rằng phải đưa ra mức lương tối thiểu riêng đối với người lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này thì mới có thể giảm gánh nặng chi phí cho hộ gia đình có nhu cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục