Bốn giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

16:21' - 12/07/2022
BNEWS Một trong những giải pháp Tổng cục Thống kê đề xuất là cần điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đã qua nửa đầu năm 2022 nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất thấp, do nhiều nguyên nhân nhưng cũng thể hiện rõ sự yếu kém trong chỉ đạo của các địa phương.

Để hiểu rõ hơn về khả năng thực hiện nguồn vốn đầu tư công của cả năm 2022 và các giải pháp cần thực hiện, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin bà đánh giá về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm và cho biết những nguyên nhân còn tồn tại trong việc thực hiện?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn đầu tư công đã được các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công được giao năm 2022.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) 6 tháng đầu năm thực hiện ước đạt 35,34% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Đây là mức đạt cao nhất trong vòng 5 năm qua (năm 2018 đạt 35%; năm 2019 đạt 33,78%; năm 2020 đạt 30,46%; năm 2021 đạt 35,34%) nhưng chưa đạt kỳ vọng (kỳ vọng 6 tháng đầu năm phải đạt trên 42% kế hoạch).

Tuy nhiên, việc thực hiện vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 chưa đạt kỳ vọng, do còn tồn tại một số nguyên nhân bất cập chưa thể khắc phục triệt để như: vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù; chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.

Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; quy định về nguồn vốn ODA còn phải phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này.

Không những thế, năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ theo đúng quy định.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan như: vướng mắc về thể chế liên quan đến đầu tư công chưa đồng bộ; đặc thù của năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, là năm các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới, do vậy mất nhiều thời gian chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Đặc biệt giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng với đơn giá cố định.

Phóng viên: Vậy khả năng thực hiện nguồn vốn đầu tư công của cả năm 2022 sẽ ra sao, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ các tháng đầu năm tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 01/01/2022, số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ đối với các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu công năm 2022.

Cùng với kết quả làm việc của 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022 và các năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ đạt khoảng 95% kế hoạch năm 2022.

Phóng viên: Tổng cục Thống kê có đề xuất, kiến nghị giải pháp gì với Chính phủ nhằm thực hiện tối đa kế hoạch vốn của cả năm 2022?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm 2022, các bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án/công trình, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án/công trình.

Thứ hai, cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ.

Thứ ba, tạo điều kiện cho chủ đầu tư/ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án/công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công.

Thứ tư, rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Phóng viên: Xin cám ơn bà!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục