“Bóng ma” suy thoái của Trung Quốc bao trùm nền kinh tế toàn cầu

06:30' - 12/11/2021
BNEWS Châu Á sẽ là khu vực đầu tiên chịu liên lụy từ chiều hướng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đánh giá về những diễn biến hiện nay của kinh tế Trung Quốc, báo Le Monde ngày 9/11 có bài viết “Bóng ma suy thoái của Trung Quốc bao trùm kinh tế toàn cầu”, trong đó nhận định rằng châu Á sẽ là khu vực đầu tiên chịu liên lụy từ chiều hướng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, không có khu vực nào trên thế giới được miễn trừ và đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Khi đầu tàu của Trung Quốc giảm tốc, nền kinh tế của cả khu vực châu Á, nếu không muốn nói là toàn bộ kinh tế thế giới, cũng sẽ tăng trưởng chậm lại. Trong quý III/2021, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chỉ số bi quan trong tháng 10/2021 cũng cho thấy đà suy giảm sẽ tiếp tục. 

* Nguyên nhân dẫn đến sự giảm tốc

Nicholas Spiro, chuyên gia thuộc công ty tư vấn Lauressa Advisory có trụ sở tại London, cảnh báo: “Các số liệu phản ánh mức độ thấp chưa từng có kể từ cuối những năm 1990. Đây là một cú sốc đối với kinh tế toàn cầu bên cạnh những mối lo ngại hiện tại khác như đại dịch COVID-19 hay lạm phát”.

Chiều hướng nhu cầu trong nước sụt giảm là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp Trung Quốc", nhóm tư vấn Oxford Economics cho biết. Chính sách ưu tiên xóa nợ mà Trung Quốc đưa ra một năm trước đã làm chậm đầu tư của chính quyền địa phương và thắt chặt các điều kiện cho vay của các ngân hàng.

Lĩnh vực bất động sản, đóng góp gián tiếp 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, đang ở trung tâm của khủng hoảng. Lĩnh vực này đang được “minh họa” bởi thất bại của Evergrande, một tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc hiện đang ngập trong khoản nợ khoảng 260 tỷ euro.

Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Natixis ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Về dài hạn, Trung Quốc phải chịu tác động nặng nề của tình trạng suy giảm năng suất và dân số già”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 8% thay vì 8,1% cho năm 2022, trong khi nước này dự tính mức tăng chỉ là 6%. 

Geoffrey Okamoto, Phó Giám đốc điều hành IMF, đã đưa ra nhận định bi quan trên blog gần đây: "Đó là tin không tốt lắm, thông tin này cho thấy các động lực tăng trưởng đang trên đà suy yếu" ở Trung Quốc.

Theo số liệu do ngân hàng HSBC và cơ quan dữ liệu toàn cầu CEIC công bố, GDP ở Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm tương ứng với mức tăng 0,7 điểm phần trăm ở Hàn Quốc, trong khi mức tăng tương tự ở châu Âu chỉ có tác động tích cực là 0,05 điểm phần trăm. Các nền kinh tế hưởng lợi lớn khác là Thái Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), theo tính toán của HSBC.

Do đó, đối tượng đầu tiên phải hứng chịu từ sự suy giảm của Trung Quốc là các quốc gia châu Á do những quốc gia này có chuỗi cung ứng được gắn kết chặt chẽ với nhau hoặc do nước láng giềng khổng lồ này đã trở thành một “lối thoát” quan trọng cho các mặt hàng xuất khẩu của họ. Năm 2020, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại lên tới 730 tỷ USD (632 tỷ euro).

Đầu tháng 10/2021, Thống đốc Ngân hàng trung ương Philippines Benjamin Diokno đã cảnh báo rằng sự suy giảm của nước láng giềng không chỉ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn gây tác động xấu đến lĩnh vực du lịch của nước này, bởi theo thống kê có tới 8,3 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch Philippines mỗi năm. 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tính toán sự suy giảm ở Trung Quốc sẽ gây ra nhiều hậu quả ở châu Á và các nước mới nổi hơn so với các nước phát triển.

* Sức ảnh hưởng lan rộng ra toàn cầu

Mặc dù vậy, không có khu vực nào trên thế giới được miễn trừ. Trong một nghiên cứu công bố ngày 18/10, Natixis đề cập đến Chile, một nhà xuất khẩu quặng đồng lớn, mà Bộ trưởng Kinh tế Lucas Palacio đã công khai bày tỏ lo ngại về nguy cơ phá sản của tập đoàn Evergrande đối với lĩnh vực khai thác mỏ của nước này. 

Hay như Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò, quặng sắt và nguyên liệu nông nghiệp cho “gã khổng lồ” châu Á, cũng trải qua những lo ngại tương tự. Ở châu Âu, Đức, quốc gia sản xuất hàng hóa và máy móc, và ở châu Phi, Ethiopia và Nam Phi cũng đều phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự suy giảm của Trung Quốc.

Tình trạng bất ổn nghiêm trọng hiện nay trong nền kinh tế Trung Quốc là hậu quả của hàng loạt diễn biến như đại dịch COVID-19, quy định mới đối với các tập đoàn công nghệ, khủng hoảng bất động sản, sự thiếu hụt năng lượng... 

Jörg Krämer, chuyên gia kinh tế trưởng tại Commerzbank của Đức, khẳng định. “Tất nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không dừng lại, nhưng chắc chắn nền kinh tế sẽ trải qua những vấn đề nhất định trong quý tới. Điều này tạo thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Đức”.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Đức đang vật lộn với một “trận chiến” khác. Đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm trung gian, chẳng hạn như linh kiện điện tử, kim loại hoặc nguyên liệu thô, cản trở nghiêm trọng đến sản xuất.

Việc đóng cửa các công trình xây dựng đã ảnh hưởng đến lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu thô chẳng hạn như nhập khẩu quặng sắt từ Australia, khiến giá đã giảm 50% kể từ tháng Năm. Trong khi đó, kinh tế Mỹ cũng ghi nhận sự suy giảm đột ngột trong quý III/2021. Sự suy yếu của nhu cầu nội địa Trung Quốc cũng tác động đặc biệt đến một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô. Chẳng hạn, tập đoàn Volkswagen chỉ bán được 4/10 xe ở thị trường này.

Tuy nhiên, chiều hướng suy giảm của kinh tế Trung Quốc lại giúp làm chậm chỉ số lạm phát toàn cầu và kiềm chế giá năng lượng tăng cao. Giá cả ở Mỹ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2021 trước khi giảm dần vào giữa năm 2022 theo dự báo của IMF. “Việc kinh tế Trung Quốc mất đà sẽ giúp áp lực về giá cả sẽ giảm bớt”, Frederic Neumann, chuyên gia nghiên cứu kinh tế của HSBC tại châu Á cho biết.

Khi được hỏi rằng liệu có một cường quốc mới nổi khác có thể thay thế đầu tàu Trung Quốc để trở thành lực đẩy của kinh tế thế giới hay không, chuyên gia Herrero phân tích: “Không ai có thể tiếp sức Trung Quốc, bởi không quốc gia nào có quy mô lớn như vậy trong khi làn gió toàn cầu hóa trong 20 năm qua cũng đã yếu đi, dẫn đến một vấn đề cấu trúc mà thế giới phải giải quyết”. 

Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài, những người nắm giữ 3,5% vốn cổ phần và thị trường trái phiếu của Trung Quốc, có vẻ không lo lắng. Chuyên gia Spiro nhận xét: “Các nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro bởi Trung Quốc luôn chủ trương bảo đảm ổn định tài chính và xã hội”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục