BOT - điểm tựa cho phát triển kinh tế trên thế giới

06:08' - 04/09/2016
BNEWS Thời gian trôi qua đã chứng tỏ BOT là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đường hầm xuyên eo biển Manche nối Pháp và Anh - một trong những dự án BOT nổi bật trên thế giới. Ảnh: telegraph.co.uk

Theo Tiến sỹ Min Wu thuộc Đại học Hong Kong, khái niệm Mô hình Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1984 do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal đưa ra tại hội nghị về công cuộc tư nhân hóa các dự án của khu vực công. Từ đó đến nay, mô hình BOT đã trở nên quen thuộc với các nước phát triển và đang phát triển trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Có thể liệt kê ra đây những dự án BOT nổi bật trên thế giới như dự án xây dựng đường hầm qua eo biển Manche giữa Pháp và Vương quốc Anh, dự án xây dựng sân bay quốc tế Kansai hàng đầu Nhật Bản hay tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam của Thái Lan...

Với vai trò "huyết mạch" đảm bảo thông suốt dòng lưu thông người và hàng hóa, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đòi hỏi sự duy tu, nâng cấp, mở rộng thường xuyên để có thể theo kịp và đáp ứng nhu cầu biến chuyển không ngừng của nền kinh tế.

Trên thế giới, việc thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP) dưới hình thức BOT, BT (Xây dựng – Chuyển giao), BOO (Xây dựng-Sở hữu-Vận hành) ... , đã huy động khá tốt và hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Một trong những quốc gia đã đạt được thành công trong việc sử dụng mô hình BOT vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á này đã thực hiện chương trình tư nhân hóa hệ thống đường cao tốc kể từ năm 1985 với việc giới  hiệu chính sách tư nhân hóa.

Hình thức BOT đã được Chính phủ Malaysia sử dụng hiệu quả khi xây dựng thành công 30 tuyến đường cao tốc quan trọng, hình thành mạng lưới đường cao tốc có tổng chiều dài lên tới nhiều nghìn km “phủ sóng” toàn quốc.

Theo các nhà phân tích, các dự án BOT đã giúp rút ngắn thời gian vận chuyển người và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện, đồng thời giảm chi phí, rủi ro, đảm bảo hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư và tạo ra được một môi trường cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, với mô hình BOT, chính phủ các nước có thể sử dụng được kinh nghiệm quản lý hiệu quả, sự sáng tạo, công nghệ hiện đại của khu vực tư nhân.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp thì mô hình BOT là một giải pháp hữu hiệu giảm sức ép về ngân sách, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời xây dựng được các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, qua đó hỗ trợ kinh tế phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo nhận định của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), hiệu quả của các dự án BOT đến từ sự tính toán hợp lý và hài hòa giữa hai nhóm nhân tố tích cực và tiêu cực. Trong đó, nhóm yếu tố tích cực gồm  chính sách tư nhân hóa, kinh tế, tài chính, kỹ thuật ... , còn nhóm yếu tố tiêu cực gồm kiến thức, pháp lý, rủi ro ...

Với chủ trương tư nhân hóa kịp thời của Chính phủ Nhật Bản thông qua sự hợp tác và huy động nguồn lực của cả hai khu vực công tư, nền kinh tế của “xứ Mặt Trời mọc” đã có sự bứt tốc mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh để gia nhập nhóm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với những thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực.

Được đưa vào sử dụng từ giữa thập niên 1990 với vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, sân bay quốc tế Kansai hàng đầu thế giới trên hòn đảo nhân tạo ở Nhật Bản là một ví dụ điển hình về sự hợp tác công tư thành công thông qua việc khai thác tính ưu việt của mô hình BOT ở Nhật Bản.

Sân bay quốc tế Kansai. Ảnh: kansai-airport.or.jp

Theo đánh giá của Hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ, sân bay quốc tế Kansai là một trong 10 công trình kiến trúc của thiên niên kỷ với khả năng chống chọi bão, động đất, sóng thần. Tiếp sau thành công của dự án xây dựng sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản tiếp tục tiến hành xây thêm các sân bay khác trên đảo nhân tạo và tiếp tục thu được hiệu quả.

Năm 2013, hai năm trước khi Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) – còn gọi là AEC ra đời - với tư duy nhanh nhạy, luôn theo kịp các xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, Chính phủ Singapore đã ký một bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm khởi động sáng kiến PPP, trong đó chú trọng triển khai các dự án BOT, nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN.

Sáng kiến này mở đường cho sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực với sự phát huy các ưu điểm của mô hình BOT. Ước tính, các nước ASEAN sẽ cần khoảng 60 tỷ USD/năm để đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng trong khoảng 10 năm tới.

Còn tại khu vực châu Âu, một trong những dự án BOT là công trình thế kỷ đường hầm eo biển Manche dài 50,45 km bên dưới biển Manche tại Eo biển Dover, nối Folkestone, Kent ở Vương quốc Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp.

Công trình này đã đi vào hoạt động từ ngày 6/5/1994 với đường hầm dưới biển dài nhất thế giới và có độ dài tuyến đường sắt lớn thứ hai thế giới do qua eo biển Manche do Eurotunnel vận hành.

Theo số liệu thống kê, Eurotunnel lần đầu tiên cán mốc 1,1 tỷ euro vào năm 2013 nhờ hiệu quả hoạt động của đường hầm này và dự kiến con số này sẽ còn tăng trong những năm tiếp theo.

Với cảm hứng đến từ sự thành công của đường hầm eo biển Manche nói trên - được đánh giá là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng trong lịch sử thế giới - các quốc gia châu Âu và châu Phi hiện đang tiến hành nghiên cứu một đại dự án tương tự với mô hình BOT nhằm nối liền hai châu lục này cùng kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích còn to lớn hơn nữa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục