“Brexit” có gây thiệt hại cho kinh tế Anh?

05:38' - 15/04/2016
BNEWS Giới đầu tư Anh đang tính xem khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là “Brexit” sẽ gây thiệt hại ra sao cho kinh tế “xứ sở sương mù”.
“Brexit” có gây thiệt hại cho kinh tế Anh?. Ảnh: Reuters

Vào lúc này tại Vương quốc Anh, những quan ngại về giảm thâm hụt ngân sách hay thời điểm tăng lãi suất đang nhường bước cho mối quan tâm khác lớn hơn. Đó là việc giới đầu tư bắt đầu tính xem khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là “Brexit” sẽ gây thiệt hại ra sao cho kinh tế “xứ sở sương mù”, trong bối cảnh cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU đang tới ngày một gần hơn.

Trong trường hợp người tiêu dùng và các công ty trì hoãn các quyết định chi tiêu sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào tháng Sáu tới, đà phục hồi của kinh tế Anh khó tránh khỏi bị tác động bất lợi. Có lẽ phép thử đầu tiên là số liệu tăng trưởng GDP quý I/2016 dự kiến công bố vào cuối tháng này. Tuy nhiên, những số liệu kinh tế được công bố gần đây cũng đã cho thấy những tác động tiêu cực là khó tránh khỏi.

Điểm thuận lợi cho kinh tế Anh là người tiêu dùng nước này chi tiêu khá thoải mái, vì thế tâm lý mua sắm, tiêu dùng của họ không bị chi phối đáng kể bởi những mối quan ngại liên quan tới “Brexit”. Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng mạnh, trong khi tín dụng tiêu dùng (hay cho vay tiêu dùng) tăng 9,3%/năm. Tuy không đạt mức cao đỉnh điểm như mùa Thu năm ngoái, song niềm tin của người tiêu dùng Anh vẫn ở mức cao.

Theo khảo sát mới nhất về người tiêu dùng của GfK, dự báo của người tiêu dùng "đảo quốc sương mù" về triển vọng tài chính cá nhân của họ trong 12 tháng tới chỉ giảm 2 điểm phần trăm.

Ngược lại, sự bất ổn liên quan đến “Brexit” lại khiến lòng tin của giới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, sa sút và hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị tác động nhiều nhất nếu Anh rời EU.

Khảo sát hồi tháng 3/2016 của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho hay niềm tin của các công ty dịch vụ tài chính tại “xứ sở sương mù” trong quý đầu năm nay giảm mạnh nhất kể từ năm 2011, trong khi khảo sát của công ty kiểm toán, tư vấn thuế và giải pháp doanh nghiệp Deloitte cho thấy các dự định về tuyển nhân viên và đầu tư của các công ty Anh đứng ở mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Anh, hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước này giảm 2% trong quý IV/2015.

Đối với thị trường việc làm, một trong những thay đổi lớn là mức lương tối thiểu được nâng lên, dù rằng hầu hết các khảo sát đều chỉ ra rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty tài chính, đều có kế hoạch giảm tuyển lao động. Trong ba tháng tính tới tháng 1/2016, chỉ có 116.000 việc làm được tạo ra, thấp hơn đáng kể so với con số 205.000 việc làm trong ba tháng tính tới tháng 12/2015.

Về mặt tác động đối với thị trường tài chính Anh, mối quan ngại về chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân tại nước này khiến cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ gần đây trở nên thu hút hơn. Trong khi đó, theo các nhà chiến lược tiền tệ tại "đảo quốc sương mù", nguyên nhân chủ yếu khiến đồng bảng Anh rớt giá mạnh kể từ mùa Thu năm ngoái là khả năng “Brexit” xảy ra, bên cạnh các yếu tố khác như kinh tế tăng trưởng chậm lại và lãi suất vẫn đứng ở mức thấp kỷ lục.

Thị trường cổ phiếu của nước này có màn trình diễn kém cỏi trong quý I/2016, nhưng mối quan ngại liên quan đến "Brexit" không phải là nhân tố tác động duy nhất. Trong thời gian nói trên, không chỉ thị trường Anh mà các sàn chứng khoán trên toàn cầu đều chứng kiến các chỉ số chứng khoán chủ chốt rớt xuống mức thấp trong nhiều năm, do những quan ngại về kinh tế Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục