Brexit là “thảm họa” với các trường đại học nước Anh

15:56' - 12/11/2015
BNEWS Hiệu trưởng các trường đại học ở Vương quốc Anh cảnh báo rằng việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là một "thảm họa" cho các trường đại học và công tác nghiên cứu khoa học của nước này.
Đại học Cambridge (Vương quốc Anh). Ảnh: Alamy

Giới hàn lâm và các nhà khoa học hàng đầu ở "xứ sở sương mù" cho rằng việc nước Anh rời khỏi EU (hay “Brexit”) đồng nghĩa với việc hàng triệu bảng đầu tư cho các trường đại học sẽ "đội nón ra đi" và các thiết chế giáo dục danh giá của nước Anh sẽ rất khó khăn để cạnh tranh trên trường quốc tế.

Nhấn mạnh tư cách thành viên EU là yếu tố quan trọng làm nên danh tiếng ưu việt toàn cầu của các trường đại học nước Anh, giới học giả cảnh báo một sự ra đi khỏi ngôi nhà chung châu Âu sẽ gây tổn thất không tránh khỏi cho các trung tâm học tập và giảng dạy của nước Anh.

Các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ thần kinh học, thiên văn học, tự động hóa, miễn dịch học... nói rằng việc nước Anh không còn là thành viên EU không chỉ dẫn tới việc các nguồn tài trợ bị cắt đi, khiến việc mời và giữ chân được những nhà khoa học tài năng khó khăn hơn.

“Brexit” cũng sẽ làm thay đổi đáng kể cấu trúc các trường đại học và thành phần sinh viên ở nước Anh.

Theo tổ chức Universities UK, đại diện cho các trường đại học tại "xứ sở sương mù", hơn 15% nhân sự về giảng dạy và nghiên cứu tại 132 trường đại học ở nước Anh là công dân các nước EU ngoài Anh quốc.

Một số trường đại học ở nước Anh thậm chí còn mang tính châu Âu nhiều hơn như Đại học Kent. Bà Julia Goodfellow, Hiệu trưởng trường đại học có các trung tâm nghiên cứu ở Paris, Brussels, Athens và Rome, cho biết gần 25% đội ngũ hàn lâm của trường là các công dân EU ngoài nước Anh.

Mặt khác, trong khi ngân sách của nước Anh dành cho công tác nghiên cứu hiện thấp hơn mức trung bình quốc tế và đang chịu áp lực ngày càng tăng, phần tài trợ của EU vào tổng thu nhập của các trường đại học nước Anh đã tăng trên 30% trong 5 năm qua, đặc biệt ở một số trường tỷ lệ này lên đến 15%.

Các trường đại học nước Anh cũng tận dụng rất tốt nguồn tài trợ của EU. Nước Anh chỉ đóng góp hơn 11% ngân sách EU nhưng trong Chương trình Tài trợ EU bảy năm qua (gọi tắt là FP7), nước này được giành được 15,5% (tương đương 7 tỷ euro hay 5 tỷ bảng) vốn tài trợ.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại London)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục