Bức tranh kinh tế Đức lạc quan nhưng không chỉ toàn màu hồng

20:18' - 12/01/2018
BNEWS Nhìn chung, mức tăng trưởng trên cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với con số bình quân 1,3% trong 10 năm qua.

Số liệu kinh tế tăng trưởng cao tại Đức là tin tốt lành đối với các chính trị gia đang tranh cãi về vấn đề chi tiêu, cũng như các tổ chức công đoàn đang đấu tranh đòi tăng lương, mặc dù giới quan sát cảnh báo rằng tình hình lạc quan này sẽ không kéo dài mãi.
Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đã tăng 2,2% trong năm 2017, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh.

Nhìn chung, mức tăng trưởng trên cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với con số bình quân 1,3% trong 10 năm qua. Các cơ quan tư vấn về kinh tế hàng đầu nước Đức, cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra mức dự báo tương tự như vậy.
Bên cạnh đó, cũng theo Destatis, ngân sách chính phủ ghi nhận mức thặng dư cao kỷ lục tương đương 1,2% GDP, hay 38,4 tỷ euro (46 tỷ USD).

Bất chấp những lo ngại về một 'kỷ nguyên' bảo hộ thương mại có thể lan rộng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Đức vẫn tăng 4,7% trong năm 2017, cao hơn hẳn mức tăng 2,6% của năm 2016.
Trong khi đó, tất cả các yếu tố như lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở mức thấp lịch sử, đồng euro không tăng giá so với các đồng tiền khác dù kinh tế EU phục hồi và số lao động có việc làm cao đã và đang hỗ trợ cho đà tăng trưởng của kinh tế Đức, cùng với sự chuyển biến chung của cả khu vực bao gồm 19 quốc gia sử dụng đồng tiền euro.
Tuy nhiên, ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING Diba, cho rằng bức tranh kinh tế kể trên không chỉ toàn màu hồng đối với Berlin, khi nhưng thành tựu về tăng trưởng kinh tế dẫn đến tâm thái “ngủ quên trên chiến thắng” nên tự mãn không đẩy mạnh cải cách.

Đằng sau bề nổi của sự tăng trưởng mạnh là điểm yếu ở các lĩnh vực như số hóa, dịch vụ và giáo dục. Ông Brzeski cho rằng chính phủ tiếp theo của nước Đức vẫn có cơ hội giải quyết những vấn đề trên và không nên đợi cho đến khi tình hình tồi tệ hơn mới bắt đầu.
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu khác lâu nay vẫn thường hối thúc Đức chi tiêu nhiều hơn ở trong nước, khi nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire mới đây cũng tiếp tục kêu gọi Berlin tăng tiền lương và tích cực đầu tư, cùng với các cuộc cải cách kinh tế của Paris.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục