Bức tranh trái ngược giữa các hộ gia đình và các doanh nghiệp lớn ở Australia

06:00' - 29/05/2023
BNEWS Người dân Australia đang thắt chặt chi tiêu hơn, điều này có nghĩa là nền kinh tế Australia đang gặp thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn ở nước này lại đang hưởng lợi.
Theo trang mạng theguardian.com ngày 25/5, người dân Australia đang thắt chặt chi tiêu hơn, điều này có nghĩa là nền kinh tế Australia đang gặp thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn ở nước này lại đang hưởng lợi.

Đây là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, khai thác mỏ, du lịch hay ngân hàng… Một báo cáo của Cơ quan Thống kê Australia (ABS) hồi tháng 6/2023 cho rằng từ khi lạm phát tăng vào đầu năm 2022, các doanh nghiệp Australia đã hưởng lợi nhờ giá cả hàng hóa tăng cao. Và các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hưởng lợi trong năm 2023.

Theo đánh giá của chuyên gia Jonathan Barrett trên tờ Guardian và kết quả khảo sát của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), tỷ suất lợi nhuận của Coles và Woolworths, hai chuỗi siêu thị lớn của Australia, tiếp tục tăng cao khi giá các mặt hàng tại các siêu thị này đã tăng nhanh hơn so với lạm phát. Trong khi đó, hãng hàng không Qantas đang trên đà đạt lợi nhuận kỷ lục, hay các ngân hàng của Australia ghi nhận lợi nhuận tăng vọt do lãi suất tăng cao. Những người trước đây lập luận cho rằng “các công ty của Australia đã không tranh thủ môi trường lạm phát để tăng giá” đang dần cảm thấy bất ngờ với thực tế này.

Một trong những điều tồi tệ nhất trong các cuộc tranh luận về kinh tế ở Australia (và ngay cả ở các quốc gia khác) là xuất hiện những quan điểm cho rằng lợi nhuận của các công ty là lợi nhuận thuần túy và càng nhiều lợi nhuận hơn nghĩa là sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, khi đề cập đến các lĩnh vực như bán lẻ, ngân hàng, du lịch, hoặc thậm chí là các công ty khai khoáng - các công ty hưởng lợi nhờ bán hàng và năng lượng có nguồn gốc từ khoáng sản, lợi nhuận của các công ty này chính là từ người tiêu dùng.

Các hộ gia đình chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ; các doanh nghiệp thu về lợi nhuận, tuyển dụng thêm lao động và tăng thêm lương cho họ. Ít nhất mọi thứ phải theo hướng đó. Khi các công ty kiếm được lợi nhuận kỷ lục, các chính trị gia và các nhóm doanh nghiệp thường trấn an người dân rằng “tất cả đều ổn”.

Cách làm này không bền vững nếu tiền lương và thu nhập của các hộ gia đình không theo kịp giá cả. Bởi vì nền kinh tế chính là con người, không phải là các công ty. Đến một thời điểm nào đó, người dân “đầu hàng” và ngừng chi tiêu. Đây là thời điểm mọi thứ trở nên đáng lo ngại. Trong bối cảnh Chính phủ Australia công bố Ngân sách Liên bang 2023-2024, số liệu chi tiêu của các hộ gia đình trong tháng này là một con số báo động.

Chi tiêu hộ gia đình Australia chiếm khoảng một nửa trong hoạt động của nền kinh tế của Australia. Nếu các hộ gia đình không tăng chi tiêu, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Đây là điều mà ngân sách liên bang dự báo có thể sắp xảy ra.

Kể từ đầu những năm 1980, Australia mới chỉ trải qua 4 lần có mức tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình thấp hơn 1,5% so với mức dự báo đối với năm tài chính 2023-2024, đó là cuộc suy thoái những năm 1990, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và 2 năm đại dịch COVID-19.

Thực tế có thể tồi tệ hơn so với mức dự báo do yếu tố tăng trưởng dân số. Nếu không tính đến tỷ lệ tăng dân số dự kiến là 1,7%, mức chi tiêu hộ gia đình tính theo bình quân đầu người vào năm tài chính 2023-2024 sẽ sụt giảm lần thứ tư kể từ năm tài chính 1985-1986.

Do đó, tình hình trên khá bất ổn. Nhiều người có thể cho rằng người Australia đã chi tiêu quá nhiều sau khi dỡ bỏ phong tỏa vì đại dịch và đây chỉ là sự sụt giảm tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế không thực sự như vậy.

Trong thời kỳ đại dịch, tổng chi tiêu của các hộ gia đình Australia giảm chủ yếu là do chi tiêu cho dịch vụ giảm. Hiện nay, mức chi tiêu hộ gia đình cơ bản mới chỉ quay trở lại ngưỡng trước đại dịch. Vì vậy, mức chi tiêu hiện nay không cao đến mức khiến nhiều người cảm thấy phải kìm hãm chi tiêu lại. Thay vào đó, đúng hơn là Australia nên kỳ vọng xu hướng chi tiêu hiện nay tiếp tục theo chiều hướng như trước đại dịch.

Số liệu về doanh số bán lẻ mới nhất có thể là một trong những dấu hiệu báo hiệu những gì sắp xảy ra. Nhìn vào chi tiêu cho thực phẩm, có thể thấy rõ số tiền người dân Australia chi cho thực phẩm đã tăng lên rất nhiều - cao hơn đáng kể so với trước đại dịch. Điều này có thể khiến nhiều người tin rằng người Australia đang “đổ xô” đi mua thực phẩm, nhưng khi nhìn vào khối lượng thực phẩm đã mua, bức tranh hoàn toàn khác. Người Australia hiện đang mua thực phẩm ít hơn khoảng 5% so với trước đại dịch. Thực chất là giá thực phẩm đắt đỏ hơn.

Thật không may là xu hướng này không chỉ riêng đối với chi tiêu cho thực phẩm. Trong thời kỳ đại dịch, người Australia chi tiêu mạnh cho đồ gia dụng, nhưng hiện nay, không chỉ số lượng mặt hàng mà người dân tiêu thụ đang giảm mà tổng số tiền chi tiêu cho mặt hàng này cũng bị cắt giảm.

Chi tiêu bán lẻ, tương tự như tổng tiêu dùng hộ gia đình, về cơ bản đã quay trở lại mức dự kiến theo đà chi tiêu trước đại dịch. Tuy nhiên, bán lẻ chỉ là một phần chi tiêu trong các hộ gia đình và điều quan trọng là Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA- Ngân hàng trung ương Australia) đang tìm cách làm cho người dân ngừng chi tiêu cho bán lẻ.

Với 11 lần tăng lãi suất, số tiền trả nợ trung bình cho một khoản vay thế chấp đã tăng 79% kể từ tháng 4/2022. Chính sách tiền tệ của RBA đã làm chi tiêu của các hộ gia đình chậm lại, hoạt động của nền kinh tế chững lại và đáng chú ý là số người thất nghiệp gia tăng. Thực tế này dường như vẫn đang tiếp diễn.

Trong một vài tuần nữa, số liệu mới nhất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia sẽ được công bố. Nhờ vào hoạt động xuất khẩu khoáng sản, có rất ít khả năng nền kinh tế Australia sẽ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nếu chi tiêu của các hộ gia đình Australia diễn ra theo đúng như dự báo của Bộ Tài chính nước này, các hộ gia đình Australia sẽ cảm nhận thấy như thể họ đang trong vòng xoáy suy thoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục