Bước ngoặt của kinh tế Nhật Bản

05:30' - 14/12/2023
BNEWS Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã hồi phục đáng kể từ đầu năm nay. Tháng 10/2023, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 lên 2%, mức cao mới kể từ năm 2010.

 

Theo HK01.com, đầu những năm 1990, cùng với sự sụp đổ của hiện tượng bong bóng kinh tế, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng 30 năm tăng trưởng thấp, giá nhà đất đi xuống và giảm phát kéo dài. Gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật Bản dần thoát ra khỏi bóng tối giảm phát, lạm phát hiện ở mức trên 3% và nền kinh tế đang tăng tốc.

Phục hồi rõ rệt vào năm 2023

Sau khi được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã phát động chính sách “Abenomics” với chiến lược “ba mũi tên” nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi suy thoái dài hạn.

Mũi tên đầu tiên là thông qua Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện nới lỏng tiền tệ quy mô lớn nhằm thúc đẩy lạm phát, phá giá đồng yen, cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại và khuyến khích đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng.

Mũi tên thứ hai là chính sách tài khóa linh hoạt để kích thích đầu tư hạ tầng, sử dụng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp để kích thích hoạt động đầu tư và tăng thuế tiêu dùng để lấp đầy khoảng trống chi tiêu tài chính.

Mũi tên thứ ba là cải cách cơ cấu nhằm vượt qua những trở ngại mang tính cơ cấu đối với sự phục hồi kinh tế Nhật Bản, bao gồm tình trạng thiếu lao động, thiếu tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khả năng cạnh tranh nông nghiệp suy giảm. Những chính sách này đã giúp chấn hưng kinh tế Nhật Bản ở một mức độ nhất định, nhưng nước này vẫn chưa thoát khỏi bóng tối giảm phát.

Với sự hỗ trợ của chính sách tài chính và tiền tệ chủ động hơn sau đại dịch, đặc biệt là tái cơ cấu chuỗi ngành nghề toàn cầu, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi rõ rệt kể từ năm 2022. Tăng trưởng kinh tế phục hồi - giá cả và giá tài sản tăng - hoạt động doanh nghiệp được cải thiện, việc làm và thu nhập của người dân đều tăng lên và bước vào chu kỳ tích cực.

Vì vậy, tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 lên 2%, mức cao mới kể từ năm 2010.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã hồi phục đáng kể từ đầu năm nay. Trong giai đoạn 1991-2021, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế bình quân của nước này vào khoảng 0,9% và có nhiều năm tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, GDP thực tế của Nhật Bản trong ba quý đầu của 2023 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, do đồng yen mất giá, xuất khẩu hàng hóa và du lịch nội địa tăng đáng kể, xuất khẩu ròng đóng góp tới 0,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Trong ba quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ô tô của Nhật Bản lên tới 15,8%, lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 10 đã vượt quá con số cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu trong thị trường việc làm rất mạnh. Trong giai đoạn 1991-2021, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Nhật Bản là gần 4%. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua (2,6%). Điều này đạt được trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản tích cực nới lỏng chính sách nhập cư.

Lạm phát tiếp tục ở mức trên 3%. Từ năm 1990 - 2021, tốc độ tăng trưởng CPI bình quân của Nhật Bản chỉ là 0,1%. Nhưng tính đến tháng 10/2023, CPI đã ở mức trên 3% trong 15 tháng liên tiếp, trong đó CPI cơ bản duy trì ở mức trên 4% trong 7 tháng liên tiếp. Trong các cuộc đàm phán lao động mùa Xuân năm 2023, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi khôi phục kinh tế Nhật Bản bằng cách thúc đẩy “một chu kỳ lành mạnh về tiền lương và giá cả”.

Lạm phát gia tăng đang âm thầm ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng. Kể từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại hàng năm trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục ở mức trên 4%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 0,64% trong giai đoạn từ năm 2003-2019.

Thị trường tiêu dùng Nhật Bản đang dần hồi phục và niềm tin của người tiêu dùng cũng ngày càng tăng lên. Ví dụ, việc đặt chỗ ở nhà hàng cũng rất khó khăn, hầu hết các cửa hàng sang trọng đều có người xếp hàng dài, cảnh tượng này đã nhiều năm chưa từng thấy.

Tái cơ cấu chuỗi ngành nghề mang lại lợi ích cho Nhật Bản

Từ năm 2019 đến nay, nhằm thúc đẩy đầu tư vào Nhật Bản, chính phủ trung ương và chính quyền địa phương Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm chính sách nới lỏng nhập cư, ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài, trợ cấp khuyến khích đổi mới...

Dưới ảnh hưởng của các chính sách này, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản đã tăng lên 6.700 tỷ yen vào năm 2020, đạt mức tăng trưởng 53%. Dưới tác động của dịch bệnh, số tiền giảm xuống còn 3.800 tỷ yen vào năm 2021 và tăng trở lại, lên 6.400 tỷ yen vào năm 2022.

Theo báo chí Nhật Bản, đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn của nước này kể từ năm 2021 đã vượt 14 tỷ USD. Tập đoàn công nghệ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang xây dựng hai nhà máy ở tỉnh Kumamoto, nhà máy đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ Nhật Bản, và Sony Semiconductor...

Nhà máy đầu tiên dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 8,6 tỷ USD và dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2024. Với nhà máy thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cung cấp vốn đầu tư lên tới 900 tỷ yen và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chip 5 nanomet vào năm 2025. Bloomberg hôm 22/11 tiết lộ TSMC đang xem xét thành lập nhà máy thứ ba tại Nhật Bản để sản xuất chip 3 nanomet.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng

Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, chỉ số Nikkei 225 đã giảm khoảng 80%, kể từ đó bắt đầu tăng chậm nhưng mức tăng tương đối hạn chế. Trong những năm gần đây, do đồng yưn mất giá trong thời gian dài và hoạt động kinh doanh của các công ty Nhật Bản tiếp tục được cải thiện, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng đáng kể, giá tài sản của Nhật Bản đã bắt đầu tăng.

Chỉ số Nikkei 225 tăng từ khoảng 8.000 điểm trong năm 2011 lên khoảng 33.000 điểm hiện nay. Tính đến tháng 11, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 28% và liên tục vượt mức cao mới kể từ tháng 3/1990. Trong khi đó, S&P 500 tăng 19%.

Ngay từ tháng 8/2020, doanh nhân người Mỹ Warren Buffett đã sử dụng khoản vay bằng đồng yen để mua 5 công ty thương mại Nhật Bản: Itochu, Mitsubishi, Mitsui & Co., Sumitomo và Marubeni. Ban đầu, ông nắm giữ hơn 5% cổ phần ở mỗi công ty, với cổ phần trị giá 6,25 tỷ USD, sau đó tăng lên 10 tỷ USD, trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Buffett bên ngoài Mỹ.

Sau khi được ông Buffett mua, giá cổ phiếu của 5 công ty thương mại lớn đã tăng mạnh. Chỉ xét từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023, giá cổ phiếu đã tăng gấp 3-4 lần. Ngoài ra, ông Buffett còn tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ trong những công ty này. Khoản đầu tư ban đầu 6,25 tỷ USD đã tăng lên nhiều lần.

Ngoài ra, khi ông Buffett tham gia thị trường, tỷ giá đồng yen ở khoảng 105 yen đổi lấy 1 USD, ông không trực tiếp đổi USD lấy yen để mua cổ phiếu mà thay vào đó, ông tiết kiệm USD để hưởng lãi suất cao, dùng USD làm tài sản thế chấp và đi vay đồng yen với lãi suất 0,5% để mua cổ phiếu.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chứng khoán Nhật Bản đã xây dựng chính sách yêu cầu các công ty niêm yết chú ý hơn đến lợi nhuận và cổ tức của doanh nghiệp, chẳng hạn như việc bán các hoạt động kinh doanh không cốt lõi. Những cải thiện trong quản trị doanh nghiệp này có thể thu hút thêm vốn quốc tế vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục