Nguy cơ khủng hoảng tài chính đang rình rập

06:30' - 03/12/2023
BNEWS Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã kêu gọi các quốc gia “tập trung vào đổi mới chính sách tài khóa và thiết lập lại tư duy về chính sách tài khóa”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lâu nay vẫn luôn phàn nàn về tình trạng thiếu kiểm soát tài chính tại một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, ví dụ như Hy Lạp và Argentina.

Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009, thể chế này dường như đã nới lỏng hơn trong các vấn đề chính sách tài khóa.

Dù vậy, mọi thứ đang dần thay đổi và IMF cũng thế. Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã kêu gọi các quốc gia “tập trung vào đổi mới chính sách tài khóa và thiết lập lại tư duy về chính sách tài khóa”.

Nợ công đã đạt mức cao so với các tiêu chuẩn trước đây. Biểu đồ cập nhật của IMF cho thấy tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia có thu nhập cao ở mức 112% trong năm 2023, giảm so với mức đỉnh gần đây nhất là 124% được ghi nhận hồi năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nợ ở các nền kinh tế mới nổi đã lên tới 69% GDP, một kỷ lục khác.

Mức đỉnh của năm 2020 ngang bằng với mức đỉnh trước đó đạt được vào năm 1946. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức đỉnh của năm 1946 xảy ra vào thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, còn mức đỉnh của năm 2020 xảy ra trong thời bình.

Điều này khiến các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi liệu thảm họa nợ công có đang rình rập kinh tế thế giới hay không? Và nếu có, liệu sẽ xảy ra kịch bản vỡ nợ, lạm phát, đàn áp tài chính (cố gắng giữ nợ ở mức rẻ) hoặc sự kết hợp của cả ba hay không?

Ông Olivier Blanchard, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington DC, đã nhắc đến vấn đề nợ trong một bài viết gần đây.

Theo ông, các yếu tố quyết định bao gồm: Thứ nhất, mối quan hệ giữa lãi suất vay và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thứ hai là tỷ lệ thâm hụt tài chính cơ bản (thâm hụt trước khi trả lãi vay) trên GDP. Đối với yếu tố thứ hai, điểm quan trọng nhất là nợ không được tăng vọt.

Tỷ lệ nợ khi đứng một mình không thể phản ánh sự bền vững hoặc không bền vững. Nhưng trên cơ sở thực nghiệm hoặc lý thuyết, tỷ lệ nợ ban đầu càng cao và tốc độ tăng trưởng càng nhanh thì khoản nợ đó càng kém bền vững.

Chuyên gia Blanchard lập luận rằng “các nền kinh tế tiên tiến có thể duy trì tỷ lệ nợ cao hơn, miễn là nợ không ‘vỡ’”. Tuy nhiên, có khả năng (mặc dù không chắc chắn) lãi suất tăng sẽ khiến mức nợ tăng. Nếu vậy, nợ có thể sẽ “vỡ”.

Nếu muốn duy trì tỷ lệ nợ ổn định thì tốc độ tăng trưởng kinh tế phải ngang bằng với lãi suất trung bình. Nếu khoảng cách giữa lãi suất và tốc độ tăng trưởng càng lớn (lãi suất tăng vượt tốc độ tăng trưởng), thì thặng dư tài chính cơ bản sẽ càng lớn và ngược lại.

Vậy, nợ tài chính và thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế lớn có thu nhập cao ngày nay đến từ đâu? Tỷ lệ nợ ròng của những nền kinh tế lớn hiện cao hơn nhiều so với hai thập kỷ trước. IMF dự báo tỷ lệ nợ/GDP ở Anh, Pháp và Mỹ vào năm 2024 sẽ ở mức ở mức gần 100%, ở Italy là 133% và ở Nhật Bản là 156%.

Ngược lại, năm 2001, tỷ lệ của các nước này là dưới 50% ở Anh, Pháp và Mỹ, 75% ở Nhật Bản và 100% ở Italy. Những “bước nhảy vọt” này đã xảy ra bất chấp môi trường lãi suất thấp. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thâm hụt ngân sách cơ bản rất lớn.

Dự báo của IMF cho giai đoạn 2024-2028 đưa ra mức tăng trưởng thực tế trung bình là 1,9% ở Mỹ, 1,8% ở Canada, 1,6% ở Anh và Pháp, 1,4% ở Đức, 0,9% ở Italy và 0,6% ở Nhật Bản. Đây là mức thấp rõ ràng so với môi trường lãi suất thực tế ngày nay.

Nếu các chính phủ muốn tránh rủi ro bùng nổ nợ mà không phải sử dụng các biện pháp gây lạm phát hoặc áp chế tài chính bất ngờ, họ sẽ phải thắt chặt các chính sách tài khóa mà cho đến nay hầu hết vẫn ở mức siêu lỏng.

Tuy vậy, trong một xã hội già cỗi, với nền kinh tế tăng trưởng chậm và gánh nặng quốc phòng ngày càng gia tăng, liệu điều này có khả thi?

Tăng trưởng nhanh hơn sẽ giúp ích. Tuy nhiên, như nước Anh dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss đã chứng minh, điều này là không dễ dàng. Những lựa chọn tài chính khó khăn dường như đang ở phía trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục