Bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không

17:55' - 12/08/2024
BNEWS Trung Quốc mới đây đã tiến hành thử nghiệm phương tiện bay chở hàng không người lái (UAV) lớn nhất từ trước đến nay, có khả năng vận chuyển 2 tấn hàng hóa.
Đây là một phần trong kế hoạch phát triển phương tiện bay không người lái của Trung Quốc, với mục tiêu đạt quy mô 2.000 tỷ NDT (khoảng 279 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp bốn lần so với năm 2023.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn nguồn từ nhà phát triển Sichuan Tengden Sci-tech Innovation Co., cho biết UAV 2 động cơ mới được thiết kế cho mục đích dân sự này đã cất cánh thành công trong chuyến bay thử nghiệm 20 phút vào ngày 11/8 tại tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.

 
Với sải cánh 16,1 m và chiều cao 4,6 m, loại UAV này lớn hơn so với máy bay hạng nhẹ phổ biến nhất thế giới Cessna 172 do công ty máy bay Cessna (Mỹ) chế tạo.

Chuyến bay thử nghiệm của công ty Tengden diễn ra sau khi nguyên mẫu UAV chở hàng HH-100 của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) thực hiện thành công chuyến bay ra mắt đầu tiên ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, hồi tháng 6/2024.

AVIC dự kiến sẽ thử nghiệm mẫu máy bay không người lái chở hàng lớn nhất của mình là TP2000 có khả năng chở tải trọng lên đến 2 tấn và bay xa gấp bốn lần so với HH-100 vào năm 2025.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái thương mại. Trong tháng 5/2024, công ty Phoenix Wings, thuộc tập đoàn giao hàng khổng lồ SF Express, đã bắt đầu giao trái cây tươi từ đảo Hải Nam đến miền Nam Quảng Đông bằng máy bay không người lái Fengzhou-90 do SF phát triển.

Các chuyên gia ngành hàng không Trung Quốc cho biết, máy bay không người lái chở hàng hứa hẹn rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển, đồng thời mở rộng phạm vi giao hàng đến các địa điểm không có cơ sở hạ tầng hàng không truyền thống, như các sân thượng ở các thành phố đông đúc.

Ngoài ra, máy bay không người lái còn có tiềm năng trở thành phương tiện chở người như dịch vụ taxi.

Tháng Tư vừa qua, Cơ quan Hàng không Trung Quốc đã cấp giấy chứng nhận sản xuất cho EHang Holdings, nhà sản xuất máy bay không người lái có trụ sở tại Quảng Châu, cho mẫu máy bay không người lái chở khách của công ty này.

Trong một báo cáo năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên xác định nền kinh tế tầm thấp (low-altitude economy) là động lực tăng trưởng mới, trong đó tính di động được coi là "lực lượng sản xuất mới" trong các lĩnh vực như vận tải hành khách và lưu thông hàng hóa.

Kinh tế tầm thấp đề cập hình thái kinh tế tổng hợp trong vùng trời dưới 3.000 m, được thúc đẩy nhờ hoạt động bay tầm thấp của máy bay có người lái và không người lái.

Tính đến năm 2023, Trung Quốc có hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia thiết kế hoặc sản xuất UAV, dẫn đầu là DJI, công ty tư nhân sản xuất thiết bị bay không người lái lớn nhất thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục