Bứt phá cho xuất khẩu cá tra - Bài 2: Gặp “rào cản” lớn

14:22' - 02/03/2019
BNEWS Mặc dù ngành hàng cá tra đột phá về giá trị xuất khẩu trong năm 2018, nhưng xuất khẩu cá tra thời gian tới được dự báo sẽ đối mặt với rào cản lớn đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia...
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu tại Công ty công nghiệp thuỷ sản miền Nam. Ảnh: Bùi Văn Lanh-TTXVN

Trong khi đó, “bài toán” về con giống, quy hoạch... nhiều năm qua ngành cá tra vẫn chưa tìm được “lời giải”. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo: Sự thành công của cá tra Việt Nam về xuất khẩu lần đầu vượt mốc 2 tỷ USD trong năm 2018, làm cho một số quốc gia như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... chú ý và bắt đầu đẩy mạnh nuôi cá tra với mục tiêu xuất khẩu.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thông tin, Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng cá tra từ 550.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn vào năm 2019; Bangladesh cũng có thể tăng sản lượng cá tra từ 554.256 tấn (năm 2017) lên 749.746 tấn vào năm 2019. Indonesia sản lượng cá tra năm 2019 được dự báo vào khoảng 150.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm 2015.

Việc các nước này tăng sản lượng nuôi cá tra, dự báo trong dài hạn như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia sẽ cạnh tranh gay gắt, trực tiếp với ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam ở nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sản phẩm cá tra từ các thị trường trên có thể chưa đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu như màu sắc, sản lượng nên ngay bây giờ ngành cá tra Việt Nam cần phải có kết hoạch, chiến lược đối phó trong dài hạn.

Bên cạnh đó, ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức ngành cá tra Việt Nam sẽ đối mặt trong thời gian tới như: truyền thông bôi nhọ cá tra Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ thuỷ sản vẫn còn tiếp diễn.

Tình hình hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến diện tích nuôi.

Bên cạnh đó, chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp sẽ tác động tiêu cực tới việc tăng sản lượng cá tra của Việt Nam....

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, hiện Tiền Giang đang một số gặp khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng cá tra như: nuôi cá tra thương phẩm và ương cá tra giống thường xuyên xảy ra dịch bệnh nên tỷ lệ sống thấp.

Một số hộ mua cá tra bột trôi nổi ngoài tỉnh về ương dưỡng làm xuất hiện tình trạng cá giống có tỷ lệ dị hình cao, như cá không có kỳ, không có vây gây thiệt hại kinh tế cho người ương cá tra giống.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, giá cá tra nguyên liệu giữ ở mức thấp trong thời gian dài nên một số doanh nghiệp, người nuôi cá tra tại Vĩnh Long bị thua lỗ, không còn vốn để tái sản xuất.

Mặc dù hiện nay giá cá tra nguyên liệu đạt khá cao, nhưng diện tích thả nuôi lại chưa thể khôi phục do thiếu vốn sản xuất và giá vật tư như: con giống, thức ăn... tăng cao.

Theo ông Tựu, hiện giống cá tra chủ yếu nhập ngoài tỉnh nên khó kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất cá tra trên địa bàn.

Đến thời điểm này diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang ao ương cá tra giống trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm lắng, chỉ phát sinh một ít diện tích.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, việc người dân tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đào ao nuôi cá tra không theo quy hoạch của địa phương, chưa được tập huấn kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm về sản xuất, chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm bắt rõ quy luật cung cầu có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân bằng cung – cầu.

Đồng thời, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của ngành cá tra Việt Nam.

Tại hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại An Giang mới đây, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế là “rào cản’’ để ngành cá tra lớn mạnh.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Oai, trong năm 2018 đã xảy ra tình trạng người dân mở rộng diện tích ương nuôi không dựa trên mối liên kết nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân bằng cung cầu, có thể gây rủi ro cho người ương nuôi cũng như phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

“Thời gian qua, bên cạnh những cơ sở sản xuất giống có uy tín, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất giống sử dụng cá tra bố mẹ có chất lượng chưa đạt yêu cầu để cho sinh sản gây ảnh hưởng đến chất lượng cá bột và tỉ lệ ương nuôi.

Đặc biệt, trong quá trình nuôi cũng đã xuất hiện hiện tượng một số sản phẩm xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có chứa chất cấm, gây hậu quả xấu và ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam...” ông Oai nói./.

>>>Bứt phá cho xuất khẩu cá tra - Bài 1: Lần đầu vượt mốc 2 tỷ USD

Bài cuối: Làm gì để chinh phục thị trường khó tính ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục