BVSC: Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn

11:58' - 09/12/2019
BNEWS Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong những năm tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (mã chứng khoán: VCB). Theo đó, BVSC cho rằng, Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong những năm tới.

Gia tăng tỷ trọng khách hàng cá nhân

Dư địa tăng trưởng của mảng cho vay cá nhân được dự báo sẽ còn rất lớn. Theo BVSC, cho vay cá nhân của Vietcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng 23% CAGR (Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép) giai đoạn 2020 - 2022 và 16% CAGR giai đoạn 2022 - 2025. Tỷ trọng cho vay cá nhân sẽ chiếm khoảng 65% tổng dư nợ vào 2025.

 Vietcombank được nhận định vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn. Ảnh: TTXVN

Dư nợ tín dụng tính đến hết quý 3/2019 của Vietcombank đạt 715.600 tỷ đồng (tăng 11,7% tính từ đầu năm đến nay); trong đó, tăng trưởng tập trung ở khối khách hàng cá nhân tăng 24%; trong khi khối khách hàng doanh nghiệp gần như đi ngang, chỉ tăng 2%.

Tính đến hết quý 3, dư nợ khách hàng cá nhân của Vietcombank chiếm khoảng 42% tổng dư nợ, nếu tính cả dư nợ của khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì tổng dư nợ 2 nhóm này đã lên tới 51%. Cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng chính của cho vay cá nhân, chiếm khoảng 55% phân khúc và tăng trưởng trên 40%.

Ngày 18/11/2019, VCB điều chỉnh giảm đồng loạt 0,5% lãi suất cho vay doanh nghiệp ở tất cả các kì hạn cho 320.000 tỷ đồng dư nợ (45% dự nợ hiện tại của VCB) áp dụng từ ngày 1/11/2019 – 31/12/2019 sau khi Thủ tướng Chính phủ đưa thông điệp phấn đấu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020.

Lãi suất cho vay cá nhân vẫn được giữ nguyên. BVSC ước tính lãi suất cho vay bình quân của VCB sẽ giảm từ mức 8% 3 quý năm 2019 về mức 7,8% cho cả năm 2019 và 7,6% trong năm 2020, với giả định VCB tiếp tục áp dụng mức lãi suất sau giảm sang 2020 do được bù đắp một phần bởi tỷ trọng gia tăng của cho vay cá nhân.

Lãi suất bình quân đầu ra dự kiến giảm nhẹ trong 2020 và tăng lên các năm sau do cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng tài sản. BVSC cũng dự báo tỷ trọng danh mục cho vay khách hàng/tổng tài sản sẽ tăng từ mức 60% hiện nay lên khoảng 66% vào 2025.

Lãi suất huy động bình quân giảm nhẹ trong 2020 nhưng sẽ tăng dần trong các năm sau do cơ cấu huy động dự báo dịch chuyển dần sang phân khúc cá nhân.

Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về việc hạ trần lãi suất huy động cho các kì hạn ngắn. Theo đó trần lãi suất huy động cho kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 1% xuống 0,8% và trần lãi suất huy động cho kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%.

Theo đó, VCB cũng giảm 0,2% đối với một số kì hạn ngắn dưới 12 tháng và giữ nguyên lãi suất ở các kì hạn dài hơn. BVSC ước tính lãi suất huy động bình quân của VCB sẽ giảm nhẹ 0,05% do khách hàng sẽ chuyển sang gửi tiền ở các kì hạn dài hơn để hưởng mức lãi suất tốt hơn.

Tiền gửi khách hàng của VCB tính đến hết quý 3 năm 2019 đạt 902.000 tỷ đồng tăng 12,5% so với đầu năm, cao hơn tăng trưởng huy động của toàn ngành là 9%; trong đó, tăng trưởng huy động khối khách hàng doanh nghiệp là 17% và khối khách hàng cá nhân là 8%. Về cơ cấu huy động, khối khách hàng doanh nghiệp chiếm khoảng 60% và khối khách hàng cá nhân chiếm 40%.

Tuy vậy, với cơ cấu cho vay đang dịch chuyển dần sang khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, cơ cấu huy động cũng sẽ có sự dịch chuyển dần sang phân khúc cá nhân, khiến cho lãi suất bình quân tiền gửi khách hàng tăng nhẹ dần lên trong các năm tới.

Điểm tích cực là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của VCB thấp hơn nhiều so với mức trần 85% quy định trong Thông tư số 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 22) nên VCB ít có áp lực phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn duy trì ở mức 30%, cao nhất hệ thống. Nếu tính cả tiền gửi có kì hạn bằng ngoại tệ (lãi suất bằng 0% đối với tiền gửi USD và 0,1 - 0,15% đối với tiền gửi EUR) thì tỷ lệ tiền gửi có lãi suất bằng 0 hoặc không đáng kể lên đến 39% giúp chi phí vốn huy động được giữ ở mặt bằng thấp.

Dự báo lãi suất huy động bình quân trong các năm sau có tính đến rủi ro CASA giảm nhẹ do cơ cấu huy động có sự dịch chuyển.

Trái phiếu tổ chức tín dụng đang tăng lên

Nhóm nghiên cứu từ BVSC dự báo tỷ trọng trái phiếu Chính phủ trong tổng danh mục trái phiếu của VCB sẽ giảm về mức 56% trong khi tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng sẽ tăng lên 40% trong 2020, theo đó lợi suất danh mục trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức 5,5%.

BVSC nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phân bổ danh mục trái phiếu của VCB. Từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 9 năm 2019, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ giảm mạnh, trong khi tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng tăng lên tương ứng. Danh mục trái phiếu Chính phủ đã liên tục giảm về giá trị tuyệt đối từ đầu 2018 và tỷ trọng trái phiếu Chính phủ trong tổng danh mục trái phiếu của VCB cũng đã giảm từ 71% vào cuối 2018 xuống 59% vào cuối quý 3 năm 2019 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm về mức đáy trong 5 năm.

 Vietcombank được nhận định vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong khi đó, danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng tăng 73% và tỷ trọng cũng tăng từ 24% cuối 2018 lên 37% đến hết quý 3 năm 2019.

BVSC cho rằng, trái phiếu tổ chức tín dụng có sự gia tăng mạnh mẽ do các ngân hàng thương mại đang cần đẩy mạnh huy động vốn cấp 2 để đáp ứng Basel 2 (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó, đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng) trước 1/1/2020 và huy động trung dài hạn để đáp ứng giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, do huy động kì hạn dài trong dân cư là tương đối khó khăn.

BVSC dự báo, trái phiếu tổ chức tín dụng sẽ chỉ tăng 25% trong 2020 do áp lực tăng vốn cho Basel 2 giảm bớt và việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng được thực hiện theo lộ trình theo Thông tư 22.

Bước đệm để tăng trưởng

BVSC giả định VCB sẽ tăng vốn thành công như đã trình tại Đại hội cổ đông năm 2019 (tăng vốn điều lệ từ 37.000 tỷ đồng lên 55.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ tối đa 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và sau đó phát hành riêng lẻ 6,5% với giá phát hành được xác định theo nguyên tắc giá thị trường, giả định 60.000 đồng/cổ phiếu sau chia, tương đương giá 84.000 đồng/cổ phiếu trước chia).

BVSC ước tính, nếu tăng vốn thành công thì Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo basel 2 của VCB sẽ tăng từ mức 9,4% trong 2019 lên trên 11% trong các năm tiếp theo, một mức rất an toàn để hỗ trợ tăng trưởng.

Trường hợp tăng vốn không thành công, BVSC ước tính VCB vẫn có khả năng duy trì CAR theo basel 2 ở mức khoảng 10% nhờ có lợi nhuận cao trong các năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục