Cà Mau chuẩn bị lò sấy lúa công suất lớn để bảo quản lúa Hè Thu

17:34' - 06/09/2021
BNEWS Cà Mau đã chuẩn bị lò sấy lúa tập trung công suất lớn, sẵn sàng giúp người dân xử lý, bảo quản, lưu kho khi đầu ra lúa Hè Thu gặp khó.

Hiện nay, vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang trong giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa Hè Thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thu hoạch, tiêu thụ lúa và nông sản của nông dân đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Văn Vững chủ máy gặt đập liên hợp ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, người dân trong vùng đang thu hoạch rộ lúa Hè Thu nên bà con kêu công cắt lúa rất nhiều.

“Tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch lúa cho bà con cả ngày lẫn đêm. Làm sao thu hoạch tránh thời điểm mưa nhiều, ruộng ngập nước máy cắt không được như những ngày cuối tháng 8. Thời điểm đó máy phải nằm đồng một thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch”, ông Phạm Văn Vững nói.

Theo các chủ máy gặt đập liên hợp, tùy lúa đứng hay ngã mà giá công cắt lúa khác nhau nhưng hiện tại giá dao động khoảng 320.000 đồng/ha, cao hơn vụ trước khoảng 30.000 đồng/ha. Lý giải của các chủ máy, giá công cắt tăng là do thiếu nhân công, đi lại khó khăn, tốn chi phí xét nghiệm COVID-19…

Ông Duy Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời cho biết, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được gần 50% diện tích lúa Hè Thu (diện tích xuống giống gần 29.000 ha), năng suất bình quân của trà lúa năm nay đạt khá, 5,2 tấn/ha. Nếu thời tiết thuận lợi thì thu hoạch đến giữa tháng 9 sẽ dứt điểm. Vì vậy, hơn 200 máy gặt đập liên hợp trên địa bàn hoạt động liên tục, có máy cắt lúa cả đêm ngày.

Ðể hỗ trợ nông dân, huyện Trần Văn Thời đã xây dựng phương án thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu chủ động ứng phó mọi tình huống. Trong tình huống bất lợi nhất, địa phương sẽ huy động các lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội để hỗ trợ ngay cho người dân. Chuẩn bị lò sấy lúa tập trung công suất lớn, sẵn sàng giúp người dân xử lý, bảo quản, lưu kho khi đầu ra gặp khó.

“Ðịa phương đã tranh thủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là ở ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, dịch bệnh tác động sâu rộng nên vẫn còn phải tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc khác nữa”, ông Duy Quốc Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt, huyện có 8 hợp tác xã đứng đầu mối thu mua tại chỗ và kết nối tiêu thụ cho nông dân và 13 công ty, tập đoàn ngoài tỉnh và 2 công ty trong tỉnh tham gia thị trường thu mua, tiêu thụ lúa cho bà con.

Ngoài ra, huyện đã chủ động tổ chức các bến tập kết thu mua lúa ở ngoài vàm kênh cho phương tiện từ tỉnh khác đến neo đậu. Toàn bộ người trên các phương tiện thu mua ngoài tỉnh không được di chuyển. Các khâu thu mua, phương thức thanh toán, vận chuyển lúa được người đầu mối và nhân lực tại địa phương hỗ trợ.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tiến độ thu hoạch lúa hè thu còn chậm so với kế hoạch. Trước vấn đề này, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, sở đã đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi thời tiết đã giảm mưa, có nắng nhiều.

Bên cạnh đó, sở cũng tiến hành rà soát, quản lý và điều tiết số lượng máy gặt đập liên hợp hiện có để đảm bảo thu hoạch, nhất là các địa phương không đủ lượng máy gặt đập liên hợp, thu hoạch đến đâu tổ chức kết nối tiêu thụ đến đó, giảm tối đa việc ứ đọng lúa trong dân…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục