Cảng quốc tế Long An gặp khó khi tiếp nhận tàu lớn

12:19' - 15/07/2019
BNEWS Thời gian qua, Cảng quốc tế Long An đã thường xuyên từ chối tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vì lý do an toàn hàng hải, điều này gây lãng phí năng lực tiếp nhận của cảng…

Việc đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Long An được kỳ vọng nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, luồng sông Soài Rạp, cửa ngõ chính ra vào cảng đang bị bồi lắng, tồn tại nhiều dãy cạn đã gây khó khăn cho hoạt động của cảng này.

Theo UBND tỉnh Long An, Cảng quốc tế Long An thuộc cụm cảng số 5 có vai trò quan trọng đối với mục tiêu tăng cường kết nối giao thương xuất nhập khẩu của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và quốc tế, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng trong vùng. Từ đó góp phần giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Theo quy hoạch, Cảng quốc tế Long An được thiết kế gồm 7 bến cầu tàu với tổng chiều dài 1.670m và 5 bến xà lan với tổng chiều dài 400m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 – 50.000 tấn. Hiện nay, cầu cảng số 1 với chiều dài 210m, khả năng tiếp nhận tàu 30.000 tấn đã đi vào hoạt động; cầu cảng số 2 với chiều dài 210m, khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn đang thi công dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2019 và sẽ tiếp tục xây dựng cầu cảng số 3 trong thời gian tới.

Tuy nhiên, luồng sông Soài Rạp hiện đang tồn tại một số dãy cạn với độ sâu 7,1m và 7,3m, điều này gây khó khăn cho các cảng trong việc tiếp nhận tàu từ 30.000 tấn trở lên. Trong thời gian qua, Cảng quốc tế Long An đã thường xuyên từ chối tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vì lý do an toàn hàng hải, điều này gây lãng phí năng lực tiếp nhận của cảng… Các tàu hàng hóa lớn muốn vào cảng buộc phải hạ tải, làm tốn thêm nhiều chi phí vận chuyển, hạn chế khả năng cạnh tranh.

Ông Lê Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm (nhà đầu tư Cảng quốc tế Long An) cho biết, việc luồng sông Soài Rạp tồn tại nhiều dãy cạn gây cản trở cho hoạt động của các tàu vận tải qua lại. Cảng phải từ chối tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực lân cận qua đây rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và gây khó cho nhà đầu tư.

Ông Thắng bày tỏ mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét sớm triển khai việc nạo vét cửa sông Soài Rạp, đảm bảo thông tuyến cho các tàu vận tải có trọng tải lớn. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng quốc tế Long An mà còn tác động lớn đến hiệu quả của Cảng Hiệp Phước (Tp. Hồ Chí Minh), nâng cao năng lực hoạt động xuất nhập khẩu của các cảng và năng lực vận tải đường thủy.

Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc nạo vét luồng sông Soài Rạp nằm ngoài khả năng của địa phương, do đó, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai nạo vét luồng sông Soài Rạp đạt độ thông luồng tối thiểu 12,6m nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của Cảng quốc tế Long An; đồng thời phục vụ nhu cầu phát triển của Cảng Hiệp Phước (Tp. Hồ Chí Minh).

Nếu dự án này được thực hiện sẽ nâng cao tính hiệu quả trong việc khai thác hoạt động của các cảng, góp phần thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa bằng đường thủy, giảm ách tắc đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Long An, Tp. Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long./.

>> Đưa vào hoạt động Cảng Quốc tế Vĩnh Tân

                                                   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục