Cà phê Trung Nguyên và nốt trầm từ vụ ly hôn ngàn tỷ

09:51' - 15/01/2022
BNEWS Vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên không chỉ khiến những người dõi theo cảm thấy xót xa, tiếc nuối mà còn kéo thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam rơi vào nốt trầm.

Vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên lại một lần nữa "nóng" lên khi viện kiểm sát tối cao đề nghị hủy án ly hôn vì "có nhiều sai sót".

Những tưởng chỉ khi đến với nhau mới nhiều khó khăn, trắc trở, vậy mà không ngờ đến lúc chia tay cũng quá nhiều gập ghềnh.

Vụ ly hôn này không chỉ khiến những người dõi theo cảm thấy xót xa, tiếc nuối cho cặp "thanh mai trúc mã" mà còn kéo thương hiệu cà phê vốn được mệnh danh là Số 1 Việt Nam - Cà phê Trung Nguyên - rơi vào nốt trầm và có lẽ phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục.

*Vụ ly hôn ngàn tỷ đầy trắc trở

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới đây đã có kiến nghị gửi đến Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị hủy quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm về phân chia tài sản chung.

Theo kiến nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng các bản án trong vụ tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã bỏ qua việc này.

Cũng theo kiến nghị của Viện kiểm sát, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà luôn yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền. Do đó, viện kiểm sát cho rằng tòa các cấp để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo theo quy định pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường trong 7 công ty là "không phù hợp quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ" được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình.

Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm hai người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỷ đồng). Viện kiểm sát cho rằng quyết định này của các cấp tòa "không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo".

Theo Viện kiểm sát, trong việc mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, tòa các cấp chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong thực hiện nghĩa vụ của người chồng. Do đó cần tăng tỷ lệ phần trăm tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung để đảm bảo quyền lợi cho bà.

Từ các căn cứ trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm về phần chia tài sản chung, giao Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử lại.

Trước đó, cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kéo dài hơn 20 năm. Họ kết hôn năm 1998 và có với nhau 4 người con. Tuy nhiên đến năm 2015, bà Thảo xin ly hôn đơn phương. Sau 10 lần hòa giải bất thành, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm năm 2019, tuyên chấp thuận đơn của bà, trao quyền nuôi dưỡng các con; ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Ông Vũ được sở hữu 60% cổ phần, nắm quyền điều hành tập đoàn Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo với số cổ phần bà sở hữu.

Sau đó, bà Thảo kháng cáo nhưng Tòa án nhân dân cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án. Không đồng ý, bà Thảo làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. Năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng "có nhiều sai phạm".

Đến tháng 4/2021, Toà án nhân dân Tối cao chính thức mở phiên giám đốc thẩm để xem xét vụ ly hôn giữa họ. Lúc bấy giờ, với khối tài sản chung hơn 7.900 tỷ đồng được chia ông Vũ gần 4.700 tỷ đồng còn bà Thảo hơn 3.200 tỷ đồng.

Cụ thể, bà Thảo được chia 7 khu đất giá 375 tỷ đồng và hơn 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ông Vũ nhận 6 khu đất trị giá hơn 350 tỷ đồng cùng toàn bộ cổ phần, vốn góp của 2 người tại Tập đoàn Trung Nguyên giá hơn 5.600 tỷ đồng nhưng phải trả cho vợ hơn 1.300 tỷ đồng.

*Từng là thương hiệu cà phê số 1

Khởi nghiệp năm 1996, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt tay cùng bà Lê Hoàng Diệp Thảo thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột.

Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện phổ biến trên toàn quốc.

Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần dần khẳng định chỗ đứng trong thị trường cà phê Việt Nam mặc dù chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn. Theo số liệu của Euromonitor công bố đầu thời điểm năm 2015, cà phê hòa tan Trung Nguyên đang đứng thứ 3 (chiếm 5%) thị phần Việt Nam, sau Nescafe (38,3%) và Vinacafe (37,5%).

Năm 2005, Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương, do bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, đứng tên. Sau này do tranh chấp vợ chồng, ông Vũ đã sang tên nhà máy lại cho mình vào ngày 21/4/2016.

Năm 2006, ông Vũ thành lập hệ thống cửa hàng G7 Mart, một mô hình siêu thị kiểu mới, với mức đầu tư 475 tỷ đồng cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ. Năm 2011, G7 Mart chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản.

Đến năm 2012, Cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê số 1 tại Việt Nam với số lượng người tiêu dùng cà phê lớn nhất, ước tính khoảng 11/17 triệu hộ gia đình Việt Nam sử dụng.

Nhiều năm liên tục, Tập đoàn Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh đứng trong top đầu ngành thực phẩm - đồ uống. Tuy nhiên, nhìn lại báo cáo tài chính của tập đoàn trong giai đoạn vợ chồng "vua" cà phê xảy ra mâu thuẫn, đề nghị ly hôn, bức tranh kinh doanh đã có phần xấu đi.

Trong giai đoạn 2014-2017, doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên gần như giậm chân tại chỗ khi chỉ tăng chưa đầy 62 tỷ đồng (từ 3.889 tỷ đồng năm 2014 lên 3.950,7 tỷ đồng năm 2017). Đó là chưa nói trong hai năm 2015 và 2016, doanh thu của doanh nghiệp này còn đi giật lùi so với năm 2014.

Lợi nhuận gộp của Tập đoàn Trung Nguyên vì thế cũng "ổn định" trong suốt 4 năm loanh quanh ở mức 1.500 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của Tập đoàn Trung Nguyên trồi sụt khá lớn trong giai đoạn này, đang từ 518 tỷ đồng (năm 2014) rơi một mạch xuống 88 tỷ đồng (năm 2015), sau tăng lên 103,5 tỷ đồng (năm 2016) rồi 120 tỷ đồng (năm 2017). 

Trong khi doanh thu thuần không có sự cải thiện nào đáng kể, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh thì các khoản chi phí lại có biến động tăng. Chẳng hạn như chi phí bán hàng, từ 2014-2017 đã tăng 15,6% (từ 527 tỷ đồng lên 609,6 tỷ đồng) hay chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117,4% (từ 149 tỷ đồng lên 324 tỷ đồng).

Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Trung Nguyên liên tục "đổ đèo" qua các năm: từ 1.294 tỷ đồng (năm 2014) xuống 808,5 tỷ đồng (năm 2015), xuống tiếp 768 tỷ đồng (năm 2016) rồi 681 tỷ đồng (năm 2017).

Bước sang năm 2018, lợi nhuận của Trung Nguyên giảm sốc xuống còn chưa đến 350 tỷ đồng dù doanh thu thuần vẫn tăng cao kỷ lục, đạt 4.360 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Nguyên nhân sụt giảm nhiều khả năng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi: Giá vốn đội lên 560 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ tăng 400 tỷ, kéo lãi gộp giảm xuống còn 1.350 tỷ so với mức 1.500 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2014-2017. Bên cạnh đó chi phí bán hàng và quản lý cũng tăng lên theo doanh thu còn nguồn thu từ hoạt động tài chính lại giảm.

Việc Trung Nguyên phần nào rơi vào "nốt trầm" đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận cuộc ly hôn ồn ào của cặp vợ chồng "vua" cà phê đóng một vai trò quan trọng. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ thời điểm đó cũng đề cập đến những mẫu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Ông Vũ nhận định xử xong vụ ly hôn này thì Trung Nguyên sẽ cần 2-3 năm để gượng dậy.

Ngay tại thị trường trong nước, nếu như trước kia Trung Nguyên chỉ có 2 đối thủ chính là Vinacafe và Nescafe thì gần đây đã có thêm King Coffee của bà Thảo (thương hiệu ra đờinăm 2016).

*Làn gió mới

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhiều lần khẳng định mong muốn thông qua cà phê, dẫn dắt Trung Nguyên trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành hùng mạnh, góp phần xây dựng Tây Nguyên thành một thiên đường cà phê toàn cầu, trở thành mô hình phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Sau khi tòa xử ly hôn và được nắm quyền điều hành, năm 2019, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã cho ra mắt thương hiệu mới Trung Nguyên Legend, toàn bộ hệ thống của Trung Nguyên thay đổi từ logo, màu sắc thương hiệu cho tới cách thức vận hành.

Đồng thời, Trung Nguyên Legend cũng bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền E-Coffee, với tham vọng tạo ra một chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam.

Theo nhà sáng lập, Trung Nguyên E-Coffee với chữ “E” viết tắt trong tên gọi mang ý nghĩa “Energy” - “Năng lượng”, không chỉ là nguồn năng lượng sáng tạo đem đến sự thành công cho các cá nhân, mà còn tạo nên một hệ thống cửa hàng chuyên Cà phê Năng lượng - Cà phê Đổi đời chuyên gia nhất, toàn diện nhất, vượt trội nhất, bao phủ khắp mọi nơi, góp phần tạo ra giá trị gia tăng về lợi ích kinh tế, quảng bá thương hiệu ngành cà phê Việt Nam.

Mặt khác, thông qua các cửa hàng nhượng quyền E-Coffee, Trung Nguyên Legend còn tham gia vào cuộc chơi thương mại điện tử hay xu hướng bán hàng đa kênh omni-channel với trang thương mại điện tử Coffee Hypermarket.

Ngoài bán các sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend, trang web này còn bán các dụng cụ và nguyên liệu bổ trợ cho ngành hàng cà phê, ví dụ như: syrup, đồ cắm dao, đào ngâm, bột nền, sốt caramel, quà tặng – bình giữ nhiệt, gói cà phê nhỏ, hộp nan tre vuông… dành cho gia đình, văn phòng, cửa hàng bán cà phê. 

Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết, để thích nghi với điều kiện kinh doanh “bình thường mới”, mô hình Trung Nguyên E-Coffee đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ trên các nền tảng mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kết hợp giao hàng tận nơi khi đặt hàng qua hotline, giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng.

Ngoài việc nhân rộng mô hình E-Coffee ở thị trường nội địa, Trung Nguyên Legend còn muốn đưa thương hiệu này ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ, hành trình xuất ngoại của E-Coffee sẽ không dễ dàng như ở nội địa. 

Bởi không khó để nhận ra Trung Nguyên vẫn còn đang chật vật đương đầu với “cơn bão kép”, vừa tổn thất nặng nề hàng nghìn tỷ đồng sau vụ ly hôn trắc trở, vừa giảm sút trầm trọng doanh thu xuất khẩu do đại dịch COVID-19. Dự kiến phải mất nhiều năm nữa, Trung Nguyên mới có thể hoàn toàn hồi phục, và phát triển theo đúng lộ trình mà Chủ tịch Tập đoàn đặt ra từ ngày đầu khởi nghiệp./. 

>>>Câu chuyện tình lãng mạn của Dolce and Gabana

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục