Cà phê Việt tạo trải nghiệm độc đáo ở Bỉ

08:55' - 24/06/2023
BNEWS Việt Nam có nhiều tiềm năng về cà phê khi là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil, và là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Anh Ronald Clercx, một người Bỉ sống tại thành phố Ostende, cách thủ đô Brussels củ Bỉ hơn 100 km về phía Tây, là người “nghiện” món cà phê trứng và cà phê sữa đá Việt Nam.

Mỗi thứ bảy hàng tuần, anh lại đến quán Phở Sure, một nhà hàng Việt ở thành phố, để thưởng thức ly cà phê trứng sóng sánh, thơm lừng và có vị đặc biệt khiến anh bị mê hoặc.

Ronald Clercx cho biết anh vừa có chuyến du lịch ở Việt Nam và mê món cà phê trứng ngay từ lần đầu được thưởng thức. Khi về Bỉ, anh đã may mắn tìm được nơi có bán món cà phê thú vị này và giờ đây cà phê trứng đã trở thành thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của anh.

Nơi mà anh Ronald Clercx tìm được món cà phê trứng yêu thích là quán Phở Sure của chị Phương Mai. Kể từ khi mở quán vào tháng 9/2021, chị Phương Mai đã đưa vào thực đơn nhà hàng món cà phê sữa đá và cà phê trứng được pha chế hoàn toàn từ cà phê Việt Nam.

Ban đầu, khách hàng chỉ tò mò uống thử, rồi họ bắt đầu mê và “nghiện” thứ đồ uống đặc biệt này. Chị Maria Eugenia Garcia Sumoza và chị Ninfa Pitters, người gốc Colombia, là những khách hàng như vậy. Cả hai chị đều “nghiện” cà phê phin Việt Nam vì nó có vị đậm đà, thơm ngon, giống như cà phê ở Colombia quê nhà các chị.

Bà Chris Geyskens, một người dân ở thủ đô Brussels, cũng là những người mê cà phê Việt. Ảnh : Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ

Vợ chồng bà Chris Geyskens ở thủ đô Brussels cũng là những người mê cà phê Việt. Ông bà rất yêu thích Việt Nam nên năm nào cũng đến thăm đất nước hình chữ S để thực hiện những dự án từ thiện. Cà phê Việt là thứ không thể thiếu trong các bữa điểm tâm sáng của ông bà mỗi khi họ tới Việt Nam và thậm chí còn được giữ ngay cả khi ông bà đã về Bỉ.

Ở Bỉ, các loại cà phê hòa tan của Việt Nam như G7 và Trung Nguyên được bày bán chủ yếu trong các cửa hàng châu Á. Anh Đào Phương Khang, chủ cửa hàng Le Panier d’Asie ở thủ đô Brussels, cho biết khách hàng Bỉ rất ưa chuộng cà phê hòa tan của Việt Nam vì dễ sử dụng và có hương vị thơm ngon.

 

* Tiềm năng trên thị trường cà phê EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm tỷ trọng 60% về nhập khẩu và 33% về tiêu dùng của thế giới. Kim ngạch nhập khẩu cà phê của EU đạt 17,4 tỷ USD, trong đó cà phê nhân là 8 tỷ USD và cà phê chế biến là 9,4 tỷ USD. Thị phần cà phê nhập khẩu từ bên ngoài EU chủ yếu là Brazil (28%), Việt Nam (18%) và Honduras (6,3%). Các quốc gia như Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Italy và Hà Lan là những nước EU nhập khẩu hàng đầu cà phê của Việt Nam.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2021. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu cà phê sang EU. Cà phê nhân Việt Nam được các nhà nhập khẩu châu Âu sử dụng để phối trộn với cà phê Arabica chất lượng cao hơn trong sản xuất cà phê hòa tan và viên nén cà phê.

Ngày 16/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định cấm nhập khẩu vào thị trường EU những mặt hàng nông sản gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Mục tiêu của lệnh cấm là nhằm hạn chế tiêu dùng và sản xuất một số loại nông sản liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng thông qua việc thiết lập các quy tắc kiểm soát chuỗi các sản phẩm này. Quy định đã được đăng tải trên tạp chí chính thức của EU hôm 9/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 29/6 tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về việc liệu quy định mới của EU có ảnh hưởng đến nhập khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam hay không, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ có 18 tháng để thích ứng và điều chỉnh theo quy định mới của EU. Bởi sau một năm rưỡi kể từ khi quy định có hiệu lực, EU sẽ tiến hành đánh giá, phân loại và công bố danh sách những nước có nguy cơ rủi ro thấp và rủi ro cao liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.

Cũng theo ông Trần Văn Công, Việt Nam kiểm soát rất tốt việc phá rừng để lấy đất sản xuất, trong đó có sản xuất cà phê. Những năm gần đây ở Việt Nam đã không còn hiện tượng này nên sẽ không rơi vào nhóm có nguy cơ. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp sản xuất, EU cũng chia ra theo quy mô lớn, vừa và nhỏ để có tần suất kiểm tra tương ứng. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sẽ có tần suất kiểm tra thấp và mức độ yêu cầu cũng không cao như đối với các doanh nghiệp lớn từ những nước khác.

Mặt khác, nghĩa vụ về thu thập các bộ chứng từ và các số liệu liên quan để làm cơ sở dữ liệu vùng trồng, vùng sản xuất, các trang trại hay diện tích trồng cà phê cũng không tạo ra nhiều gánh nặng cho những nhà sản xuất cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Dù vậy, ông Trần Văn Công vẫn cho rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải chuẩn bị và thu thập thêm những thông tin mà trước đây họ chưa từng làm để chứng minh trong các hồ sơ liên quan đến quy định mới của EU.

Trong khi đó, theo bà Isabelle Lemmens, phụ trách quản lý bền vững thuộc Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), quy định mới của EU sẽ tác động đến tất cả các quốc gia xuất khẩu cà phê. Các lô hàng cà phê nhập khẩu vào châu Âu phải chứng minh là không có nguồn gốc từ các trang trại được xây dựng trên những lô đất rừng bị chặt phá kể từ ngày 25/12/2016.

Bà Isabelle Lemmens nói rõ việc trồng và sản xuất cà phê ở Việt Nam phải tuân thủ luật pháp quốc gia và không được vi phạm những quy định của châu Âu. Về phần mình, ECF sẽ tìm kiếm giải pháp cho việc duy trì nhập khẩu cà phê vào châu Âu khi quy định có hiệu lực. Bà nói: “Quy định này được áp dụng với tất cả các loại cà phê, dù là sản xuất bên trong hay bên ngoài EU, nhằm tránh mọi hình thức lao động cưỡng bức. Nó sẽ liên quan đến việc xem xét lại các chuỗi cung ứng”.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cà phê khi là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil, và là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững 4C (Common Cod Coffee Community - tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ (UTZ certified- một chương trình phát triển bền vững cho cà phê, cacao và chè) và có xu hướng sản xuất cà phê Robusta chất lượng cao.

Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng tỷ lệ cà phê đặc sản và cảnh quan bền vững để giữ vững vị thế là nhà cung cấp cà phê ổn định với quy mô lớn đáng tin cậy cho EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục