Các công cụ của Thụy Sỹ để ứng phó với đại dịch COVID-19
 (Phần 2)

07:27' - 20/04/2020
BNEWS Thụy Sỹ sở hữu những điểm yếu nhất định như tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng nội tệ quá mạnh và ít có tiếng nói trong các cơ chế dưới sự bảo trợ của G20, OECD và Liên minh châu Âu (EU).

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge trong cuộc họp báo về dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN 

* Vai trò của ngân hàng trung ương

Dưới thời Thống đốc Mario Draghi, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình kinh tế tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, những tranh cãi hiện nay xung quanh việc có nên phát hành trái phiếu Eurobond (mức đóng góp, cách tiếp cận nguồn tiền dựa trên mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) một lần nữa hay không cho thấy những mâu thuẫn của các quốc gia châu Âu.

Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ (SNB, ngân hàng trung ương) có thể thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp với nhu cầu cụ thể của nền kinh tế đất nước.

Nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 làm cạn kiệt tài nguyên của chính phủ, SNB có thể can thiệp bằng những khoản tiền lớn. SNB đã từng cứu ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS vào năm 2008. Áp lực đối với ngân hàng trung ương mà đã công bố khoản lãi 50 tỷ CHF năm ngoái, sẽ trở nên lớn hơn trong trường hợp mất cân bằng xã hội nghiêm trọng.

* Những điểm yếu cần tháo gỡ

Tuy nhiên, Thụy Sỹ cũng sở hữu những điểm yếu nhất định như tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng nội tệ quá mạnh và ít có tiếng nói trong các cơ chế dưới sự bảo trợ của G20, OECD và Liên minh châu Âu (EU).

Thụy Sỹ không có một thị trường nội địa rộng lớn như Đức hay Nhật Bản và cứ 1 trong 2 CHF kiếm được là nhờ giao thương với bên ngoài.

Hơn 2/3 xuất khẩu của Thụy Sỹ là sang khu vực EU và Mỹ. Nếu các quốc gia này rơi vào suy thoái dài và sâu, thì Thụy Sỹ cũng không thể bước ra khỏi khủng hoảng một cách nhẹ nhàng, như trường hợp từng xảy ra sau sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới năm 2008.

Sức mạnh của đồng CHF đã tượng trưng cho sự ổn định của nền kinh tế Thụy Sỹ trong nhiều thập kỷ và giúp thu hút đầu tư vào các công ty và tiền gửi vào các ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ khi đồng euro suy giảm, đồng Franc mạnh cũng trở thành một trong những điểm yếu của Thụy Sỹ.

Bất kỳ sự tăng giá nào của đồng Franc so với đồng tiền chung châu Âu đều làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu và ngành du lịch.

Trong hai tuần qua, SNB một lần nữa phải can thiệp vào một số thời điểm để ngăn chặn sự tăng giá của đồng Franc, được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng ngay cả những can thiệp này có thể không đủ trong trường hợp biến động mới ở khu vực đồng euro.

Trước cuộc khủng hoảng năm 2008, Mỹ và các nước châu Âu chủ chốt đã buộc phải tài trợ cho các biện pháp giải cứu ngân hàng và phục hồi kinh tế khổng lồ để lại một núi nợ.

Để lấy lại tiền vào kho bạc nhà nước, chính phủ của các quốc gia này đã quyết định áp dụng chiến lược chung để loại bỏ các lỗ hổng được các công ty và cá nhân sử dụng để thoát khỏi tầm ngắm của cơ quan thuế.

Dưới sự bảo trợ của G20, OECD và EU, các cải cách thuế quốc tế lớn đã được đưa ra, dẫn đến việc tự động trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng và các quy tắc mới về thuế của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Thụy Sỹ bị hoàn toàn cô lập và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tiêu chuẩn quốc tế mới. Một kịch bản có nguy cơ được lặp lại với cuộc khủng hoảng mới này.

Chính phủ Thụy Sỹ, chẳng hạn, sẽ có ít tiếng nói trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán đang diễn ra tại G20 và OECD về một hệ thống thuế doanh nghiệp quốc tế mới. Theo ước tính ban đầu, Chính phủ Thụy Sỹ có nguy cơ mất 5 tỷ CHF doanh thu thuế mỗi năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục