Các công ty công nghệ tài chính chao đảo trước bão thuế

10:58' - 08/04/2025
BNEWS Các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang bị cuốn vào vòng xoáy của chính sách thuế quan sâu rộng do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

 

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) như Robinhood và nhà cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" Affirm đang bị cuốn vào vòng xoáy của chính sách thuế quan sâu rộng do Tổng thống Donald Trump áp đặt, khiến cổ phiếu của họ lao dốc mạnh trong bối cảnh lo ngại về tình hình tài chính người tiêu dùng ngày càng xấu đi.

Thị trường toàn cầu đã chao đảo kể từ khi tuần trước, ông Trump đưa ra mức thuế cơ bản 10% mới của Mỹ đối với hàng hóa từ tất cả các nền kinh tế. Giới đầu tư lo ngại rằng các mức thuế này có thể dẫn đến giá cả cao hơn, nhu cầu yếu đi và có khả năng gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu.

Điều đó có thể gây khó khăn lớn cho các công ty fintech, nhiều trong số đó phụ thuộc lớn vào khả năng trả nợ của người tiêu dùng cũng như việc họ sử dụng thu nhập dư thừa để đầu tư vào cổ phiếu và các kênh khác.

Một số công ty fintech, bao gồm Affirm và Robinhood, cũng thu phí từ các giao dịch mua bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, một nguồn doanh thu có thể bị ảnh hưởng nếu chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút.

 
Các nhà phân tích cho biết, trong khi các ngân hàng truyền thống có thể có cơ sở khách hàng đa dạng giúp bảo vệ họ khỏi những biến động đột ngột của thị trường, thì các công ty fintech lại có nhiều khả năng phục vụ những người tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các cú sốc kinh tế.

Ông James Ulan, Giám đốc nghiên cứu công nghệ mới nổi tại PitchBook, nhận định một cuộc suy thoái thường tác động mạnh hơn đến các doanh nghiệp phục vụ thị trường tiêu dùng đại chúng với các sản phẩm/dịch vụ không thiết yếu, bao gồm fintech, so với các lĩnh vực khác, bởi nhóm cắt giảm chi tiêu đầu tiên trong suy thoái là người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn.

Cổ phiếu của Affirm đã giảm hơn 21% kể từ khi ông Trump khởi động cuộc chiến thương mại toàn cầu vào ngày 2/4, trong khi cổ phiếu của Robinhood giảm hơn 17%. Cổ phiếu của SoFi, công ty cung cấp dịch vụ cho vay và ngân hàng, giảm gần 20%.

Đối với các công ty cấp tín dụng như Affirm và SoFi, tâm lý người tiêu dùng xấu đi cùng nỗi lo thuế quan có thể đẩy giá cả lên cao đã đặt ra câu hỏi về khả năng trả nợ của người vay.

Affirm báo cáo rằng trong quý kết thúc vào ngày 31/12/024, 2,5% các khoản vay hàng tháng của họ đã quá hạn hơn 30 ngày. Con số này tăng nhẹ so với năm trước, nhưng công ty cho rằng sự gia tăng này là do điều chỉnh về giá.

SoFi cho biết trong quý kết thúc vào ngày 31/12, 0,55% các khoản vay cá nhân của họ đã quá hạn hơn 90 ngày.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trên toàn hệ thống ngân hàng, 2,75% các khoản vay tiêu dùng đã quá hạn hơn 30 ngày trong quý kết thúc vào ngày 31/12/2024.

Goldman Sachs đã cùng các ngân hàng đầu tư khác đã nâng đánh giá về khả năng kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái hôm 7/4 do lo ngại thuế quan của ông Trump sẽ làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Ông Trump đã tuyên bố các chính sách của ông có thể gây ra khó khăn ngắn hạn, nhưng cuối cùng sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm cho người Mỹ.

Theo Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm rưỡi trong tháng 3/2025 trong bối cảnh lo ngại thuế quan sẽ đẩy giá lên và làm suy yếu nền kinh tế, Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của các công ty fintech.

Ông Dan Dolev, nhà phân tích cấp cao tại Mizuho, cho biết nếu thuế quan của ông Trump đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống, chi phí vay vốn của các công ty có thể trở nên rẻ hơn nhiều, làm giảm rủi ro cho các bên cho vay khi cấp tín dụng.

Các nhà đầu tư cũng vẫn hy vọng rằng ông Trump có thể sẵn sàng đàm phán về thuế quan, có khả năng làm giảm bớt tác động tiêu cực. Theo ông Nick Thompson, nhà phân tích nghiên cứu tại Intro-act, điều đó có thể dẫn đến việc định giá lại một số dự báo về suy thoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục