Các địa phương khắc phục thiệt hại và ổn định đời sống người dân sau mưa lũ

19:52' - 17/12/2016
BNEWS Bên cạnh công tác cứu trợ cho nhân dân ở những vùng còn ngập lụt, các đại phương đã khẩn trương hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chiến sĩ bộ đội đang dọn vệ sinh trường học để học sinh nhanh chóng được đi học trở lại sau khi lũ rút. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Quảng Nam: Khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt

Các trận mưa lớn và kéo dài hàng chục ngày qua khiến các tuyến giao thông trọng điểm như các Quốc lộ 1A, 14 B, 14 D, 14 E, 40 B, 14 G, 24 C, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng với khối lượng đất đá sạt lở lên đến hàng trăm nghìn mét khối, làm giao thông trên các tuyến đường trọng điểm này hết sức khó khăn. Riêng các Quốc lộ 40B, 14E do lượng đất đá sạt lở lớn nên những tuyến đường này còn phải ách tắc giao thông trong vài ngày tới.

Để đảm bảo giao thông trên tất cả các tuyến đường, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, ngay sau khi mưa lũ tạm ngưng, trong ngày 17/12, tỉnh Quảng Nam đã huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị của các đơn vị duy tu, bảo dưỡng đường, các đơn vị tham gia thi công trên các tuyến giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ các địa phương ra quân khắc phục giao thông bước một để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, mưa lũ đã khiến nhiều khu vực bị sạt lở nặng ở cả phía ta luy dương và ta luy âm nên giao thông đang gặp nhiều khó khăn. Riêng tại các khu vực Km 420+700 thuộc địa phận huyện Tây Giang và đoạn từ Km 1372+100 đến Km 1380+800 thuộc địa phận huyện Phước Sơn có hơn 25.000 m3 đất đá sạt lở vùi lấp nền đường khiến giao thông trên tuyến đường này bị ách tắc.

Ông Đào Như Cường, Đội trưởng Đội quản lý tuyến 3.1.2 thuộc Chi Cục Quản lý đường bộ III cho biết: Để khắc phục hậu quả lũ lụt, đơn vị đã huy động hàng chục phương tiện cơ giới hạng nặng gồm máy đào, máy xúc lật, máy ủi và nhân công của các đơn vị tham gia bảo dưỡng tuyến đường tập trung san lấp lượng đất đá tràn xuống đường. Đến ngày ngày 17/12, những đoàn đường bị ách tắc hoàn toàn trên đường Hồ Chí Minh đã được thông một làn xe. Đơn vị đang nỗ lực để trong vài ngày tới sẽ cơ bản hoàn thành việc dọn dẹp, san ủi lượng đất đá sạt xuống nền đường cũng như gia cố những đoạn nền đường bị hư hỏng để đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.

Trên Quốc lộ 40B, các trận mưa lớn kéo dài hơn nửa tháng qua đã khiến hơn 30 điểm đường bị sạt lở với khối lượng đất đá hơn 70.000 m3 đất đá phía ta luy dương tràn xuống nền đường. Riêng tại đoạn Km 68+800 thuộc xã Trà Tân và Km 78+700 thuộc địa phận xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My đã liên tiếp 3 lần sạt lở núi với khối lượng trên 30.000 m3, khiến giao thông tại hai điểm này bị ách tắc hoàn toàn.

Ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc tập trung tối đa lực lượng khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển lương thực cung cấp cho đồng bào ở các xã vùng sâu vùng xa, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị duy tu tuyến đường này huy động tổng cộng 15 phương tiện xe cơ giới để tham gia dỡ dọn lượng đất đá sạt lở, vùi lấp nền đường và sửa chữa những đoạn đường, gia cố ngầm tràn bị hư hại để đảm bảo an toàn giao thông.

Riêng những đoạn sạt lở nặng thuộc địa phận xã Trà Giác đơn vị đã yêu cầu các đơn vị tham gia khắc phục phải huy động thêm lực lượng và phương tiện để đến cuối ngày 18/12 phải hoàn thành việc hốt dọn lượng đất đá sạt lở xuống nền đường, đảm bảo giao thông thông suốt trên Quốc lộ 40B nối Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên.

Chỉ huy khắc phục sạt lở trên tuyến Quốc lộ 14 E nối giữa Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn Dương, Ban Quản lý dự án giao thông Quảng Nam cho biết, toàn tuyến Quốc lộ 14 E có hàng chục điểm sạt lở núi với khối lượng trên 70.000 m3, trong đó 2 điểm sạt lở nặng nhất là Km 84+500 và Km 84+900 thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn có khối lượng đất đá từ nguyên một quả đồi bị sạt lở vùi lấp nền đường.

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu đơn vị duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này là Công ty Cỏ phần công trình giao thông vận tải Quảng Nam huy động 6 xe máy đào cùng hàng chục xe ô tô, xe xúc lật chuyên dụng để san lấp, dọn dẹp lượng đất đá vùi lấp. Tuy nhiên, do điều kiện thi công khó khăn và lượng đất đá sạt lở lớn nên phải hai ngày nữa hai điểm sạt lở lớn này mới được xử lý xong.

Theo ông Lê Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, trước tình trạng mưa lũ gây hư hỏng nặng đối với các công trình giao thông và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngay trong những ngày mưa lũ lớn, ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành, các đơn vị tham gia thi công, bảo dưỡng các công trình giao thông trong tỉnh tập trung tối đa vật tư, máy móc phương tiện, thiết bị và nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý sơ bộ những khu vực bị hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Trong ngày 17/12, trời tạnh mưa, ngành giao thông vận tải đã yêu cầu tất cả các đơn vị ra quân xử lý các điểm sạt lở và hư hỏng trên tất cả các tuyến đường. Nhờ sự hối hợp đồng bộ giữa các địa phương và các đơn vị trong ngành nên đến thời điểm này cơ bản các tuyến đường tỉnh đã khôi phục hoạt động. Dự kiến đến cuối ngày 18/12 các tuyến quốc lộ có mật độ giao thông cao sẽ được khôi phục bước một để đảm bảo giao thông vận tải được hoạt động trở lại.

Quảng Ngãi: Khẩn trương hỗ trợ người dân

Ngày 17/12, lũ tại các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang rút, bên cạnh công tác cứu trợ cho nhân dân ở những vùng còn ngập lụt, các lực lượng đã khẩn trương hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại huyện Nghĩa Hành, lực lượng bộ đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đoàn viên, thanh niên đã có mặt tại các trường, trạm y tế nước vừa rút để dọn vệ sinh, sẵn sàng cho việc trở lại trường của các em học sinh.

Trường Trung học cơ sở và Trường Tiểu học Hành Tín Đông do trận lũ các ngày 15, 16/12 bị ngập sâu hơn 2m, lũ rút để lại khối lượng rất lớn bùn đất bám lên khắp bàn ghế, các vật dụng, sân trường… Hàng trăm cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, lực lượng đoàn viên, thanh niên Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Nghĩa Hành đã cùng với giáo viên của các trường khắc phục hậu quả mưa lũ. Anh Đặng Minh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Ngay sau khi lũ rút, Tỉnh đoàn đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên về những điểm bị lũ nặng để hỗ trợ các trường dọn vệ sinh. Không chỉ các trường, trạm y tế mà thanh niên còn dọn vệ sinh cho những gia đình người già neo đơn, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn có kế hoạch hỗ trợ thức ăn, nước uống cho bà con vùng ngập lũ.

Trong đợt này, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Quảng Ngãi đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện để hỗ trợ dọn lũ. Đại tá Đinh Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát số 4 cho biết do lượng bùn đất rất lớn nên đơn vị đã điều động xe nước, máy bơm, chiến sĩ đến những trường nước đã rút để dọn vệ sinh; dùng xe, ca nô để vận chuyển lương thực đến những hộ dân hiện vẫn còn bị ngập nước.

Đến chiều 17/12, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều ngôi nhà bị ngập trong lũ. Tại huyện Tư Nghĩa, nhiều đơn vị cứu trợ đã mang mì tôm, nước uống, gạo để cứu trợ cho người dân vùng vẫn còn ngập lũ. Bà Lê Thị Vinh, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, cho hay: "Nước đã rút nhiều rồi nhưng nhà tôi vẫn còn ngập hơn 1m, đã 2 ngày rồi vợ chồng tôi chưa được ăn cơm. Hôm nay, được cán bộ mang nước, mì tôm đến hỗ trợ, tôi vui lắm. Chỉ mong sao đến đêm thì nước rút hết để mọi người có chỗ ngủ. Chưa đến 20 ngày mà chúng tôi phải hứng chịu đến 4 đợt lũ, thật sự là rất mệt".

Còn Bà Nguyễn Nhị, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức vừa trở về nhà sau 2 ngày sơ tán đến nơi an toàn đang sắp xếp lại những vật dụng bị ướt trong nhà. Lũ chồng lũ đã khiến cho đời sống người dân đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. “Tôi đưa các con sơ tán đến nhà ngoại ở vị trí cao hơn, trước khi đi tôi đã đưa đồ dùng lên cao, nhưng nay trở về thấy toàn bộ lúa bị ướt hết vì nước dâng quá cao. Đàn gà nuôi để Tết bán cũng bị trôi theo dòng nước lũ”, bà Nhị buồn rầu kể.

Ngày 17/12, tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, cán bộ địa phương đã khẩn trương vận chuyển gạo, mì tôm, nước uống đến người dân vùng lũ, đặc biệt là những hộ dân vẫn còn ngập trong nước. Ông Huỳnh Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện huyện vẫn ưu tiên công tác hỗ trợ lương thực, nước uống cho người dân vùng lũ. Bởi có những vùng lũ bị ngập rất sâu nên ngày hôm qua vẫn chưa thể tiếp cận để hỗ trợ được. Lũ rút đến đâu thì vận động người dân dọn vệ sinh môi trường đến đó. Đồng thời sẽ khẩn trương giúp dân khắc phục ruộng đất để bà con sớm sản xuất, chăn nuôi lại bình thường.

Quảng Ngãi: Từng bước ổn định cuộc sống, sản xuất

Tranh thủ nước rút, nông dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương ra đồng khắc phục hậu quả mà lũ để lại. Nhiều năm qua, chưa năm nào họ phải chịu tổn thất nặng nề như năm nay. Cánh đồng thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa tan hoang sau hai đợt lũ vừa rồi. Bà Nguyễn Thị Lê nhìn bờ ruộng của gia đình bị dòng lũ xé toạc mà không khỏi xót xa. Hơn 2/3 diện tích ớt giống và bạc trải luống bị cuốn phăng, vụ này coi như mất trắng.

Tiếc của, bà Lê phải đi khắp cánh đồng, sang các thửa bên cạnh để góp nhặt lại ít nhiều mảnh bạc còn sót. Bà tâm sự: “Già rồi biết làm gì đâu, chăm gần sào ớt kiếm trái bán lấy đồng chi tiêu, rứa mà lũ nỡ lấy đi hết. Chờ ít ngày khô ráo, mình ra cải tạo lại ruộng, chọn giống khác mà trồng lại chứ để đất không thì phí”.

Cạnh đám ớt của bà Lê là 1,5 sào trồng đậu tây và bí đao sạch của chị Trần Thị Vọng. Đậu tây vừa đến kỳ cho hoa, tượng quả thì nước tràn vào làm héo rũ cả thân. Mấy ngày qua, chị thường xuyên mua thuốc kích thích về phun với hi vọng cứu vãn được. Mười mấy triệu đồng bỏ xuống ruộng có nguy cơ chẳng lấy lại được đồng nào. “Thấy hoa màu phát triển tốt cho trái sai, cứ tưởng dịp Tết năm nay sẽ bội thu. Vậy mà…”- chị Vọng than thở.

Để giúp người dân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, sản xuất, nhiều suất quà có ý nghĩa đã kịp thời về với vùng lũ. Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Nghĩa Hiệp cho hay, địa phương đã tạm tiếp nhận được hơn 300 thùng mỳ tôm từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị ở huyện hỗ trợ. Số quà ấy đã được phân bổ, chia đều cho 6 thôn bị ảnh hưởng nặng nhất của xã gồm Năng Đông, Nẵng Xã, Đông Mỹ, Đồng Viên, Hải Môn, Thế Bình. Tuy không lớn nhưng chất chứa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các nhà hảo tâm dành cho các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức đã trực tiếp xuống địa bàn xã Nghĩa Hiệp cùng hướng dẫn người dân cách xử lý môi trường, nguồn nước để phòng chống dịch bệnh bùng phát; đồng thời, cấp phát thuốc để người dân điều trị một số bệnh thường gặp trong mùa lũ.

Bình Định: Lực lượng vũ trang hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ từ ngày 11/12 đến ngày 17/12 đã gây ngập lụt và nhiều thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân Khu 5) đang dọn vệ sinh trường học để học sinh nhanh chóng được đi học trở lại sau khi lũ rút tại huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Toàn tỉnh có 11 người chết và 2 người mất tích, 85 nhà bị sập, 37 nhà hư hỏng, 68.948 nhà bị ngập nước, 5.821 hộ phải di dời. Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm 5.847ha lúa bị ngập, hư hỏng, 1.732ha hoa màu hư hỏng, 4.825 tấn lương thực bị ngập nước ; 11.650m bờ sông bị sạt lở, 5.000m kè bị hư hỏng và 53.452m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 17 cầu bị hư hỏng, 76 điểm giao thông bị ách tắc, 65.850m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng…

Chiều 17/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có Công điện số 14/CĐ-PCTT yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng. Các địa phương và lực lượng vũ trang đã bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ .

Đến 16 gi ờ ngày 17/12 , mực nước lũ trên các sông tiếp tục xuống chậm và ở mức trên dưới báo động I; riêng hạ lưu sông Kôn ở mức báo động II – III, có nơi trên báo động III. Hiện nay, tất cả các hồ chứa đã đầy nước, các hồ có tràn xả sâu đang chủ động điều tiết nước về hạ du, các hồ có phai gỗ chưa đóng phai để đảm bảo an toàn đập.

Thừa Thiên - Huế: Tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cảnh báo sớm cho người dân

Tại Thừa Thiên - Huế, đến chiều 17/12, mưa giảm, nước trên các con sông bắt đầu xuống. Thừa Thiên - Huế đã có thêm 1 người chết trong khi đi bủa lưới bị cuốn vào vùng nước sâu. Nạn nhân là ông Nguyễn Long B (48 tuổi, ngụ tổ dân phố Bồn Trì, phường Hương An, thị xã Hương Trà).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh đã chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ đạo các ngành, địa phương bố trí lực lượng túc trực tại các địa điểm quan trọng để sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần thiết. Việc cắt lũ, xả lũ đều được thông báo trước và không xả vào ban đêm.

Với phương châm "an toàn cho người dân và hạn chế thiệt tài sản của người dân, sau đó chuẩn bị cho vụ mùa tới", tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cảnh báo sớm cho người dân cũng như hỗ trợ họ sơ tán, di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường lực lượng kiểm tra những nơi xung yếu, nhất là theo dõi sạt lở bờ biển và vùng đê bao có nguy cơ vỡ để kịp thời xử lý, khắc phục, hạn chế các thiệt hại xảy ra...

Tại huyện Quảng Điền, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đăng Khoa cho biết, địa phương này đang cần được hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ với chiều dài 500m; sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn Hà Cảng, Hạ Lang, xã Quảng Phú với chiều dài khoảng 500m; sạt lở một số đoạn trên đê Diên Hồng đoạn qua xã Quảng Phước với chiều dài khoảng 500m; sạt lở hai bờ đê hói Bạch Đằng, xã Quảng Phước với tổng chiều dài 1.500m… nhằm đảm bảo an toàn và sản xuất của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục