Các doanh nghiệp hàng đầu của Đức cam kết đầu tư 631 tỷ euro để vực dậy nền kinh tế

09:24' - 22/07/2025
BNEWS Liên minh các doanh nghiệp hàng đầu của Đức ngày 21/7 đã cam kết đầu tư ít nhất 631 tỷ euro (733 tỷ USD) vào Đức trong 3 năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Friedrich Merz với giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu của Đức tại Phủ Thủ tướng để thảo luận về tình hình kinh tế cũng như kêu gọi nguồn đầu tư mới sau 2 năm nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái.

Phát biểu tại cuộc gặp, người đứng đầu Chính phủ Đức nói: “Các khoản đầu tư này là một tín hiệu rất mạnh mẽ cho thấy chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức”.

Ông Merz nhấn mạnh: “Thông điệp... rất rõ ràng: Đức đã trở lại. Đầu tư vào Đức là điều đáng giá. Chúng ta không phải là một địa điểm của quá khứ, mà là một địa điểm của hiện tại và trên hết là tương lai”.

Thủ tướng Friedrich Merz khẳng định các khoản đầu tư công lớn có thể được thúc đẩy đáng kể bằng nguồn vốn tư nhân. Sau cuộc họp tập trung thảo luận về sáng kiến “Made for Germany” (Sản xuất cho nước Đức), do Siemens và Deutsche Bank khởi xướng, nhằm củng cố môi trường đầu tư, ông Merz nêu rõ: “Chúng tôi muốn tận dụng tiềm năng này và từ đó tạo ra những tác động tăng trưởng hơn nữa”.

Mặc dù chính phủ đã phê duyệt các gói giảm thuế trị giá hàng tỷ euro để kích thích tăng trưởng và thành lập một quỹ 500 tỷ euro (580 tỷ USD) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khí hậu, nhưng Berlin cho biết chỉ riêng tiền công quỹ là không đủ.

Từng là động lực tăng trưởng của châu Âu, nền kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng sau đại dịch COVID-19. Sau 2 năm suy thoái và trong bối cảnh triển vọng ảm đạm cho năm 2025, Thủ tướng Merz đang kêu gọi các công ty tăng cường đầu tư trong nước.

Cùng với các cam kết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà và đẩy nhanh quá trình số hóa, với gói tài khóa mới của chính phủ liên bang và cải cách hệ thống phanh nợ được ghi trong hiến pháp, hy vọng các doanh nghiệp sẽ một lần nữa có động lực để đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Martin Lück tin tưởng: “Điều này ít nhất sẽ tạo ra một cú hích kinh tế”. Về tranh chấp thuế quan, ông cho rằng: “Nếu Mỹ không còn hấp dẫn đầu tư, thì ai sẽ là người thay thế? Đó chính là lúc châu Âu vào cuộc – và đặc biệt là Đức”.

Điều làm nên sự đặc biệt của Đức chính là khả năng thích ứng dưới áp lực lớn và điều kiện khó khăn, từ đó thích nghi với những thách thức bên ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục