Các dự án trọng điểm của 19 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục gia tăng tiến độ giải ngân

18:39' - 16/07/2024
BNEWS Tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ.

Chiều 16/7, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) thông tin, một số dự án lớn, trọng điểm tính đến hết tháng 6/2024 có giá trị thực hiện đầu tư cao so với kế hoạch năm 2024. Tới đây, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý tháo gỡ.

Phát biểu tại buổi sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, của CMSC diễn ra chiều ngày 16/7, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, CMSC cho biết, 6 tháng đầu năm nay, CMSC đã chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư quan trọng của các Tập đoàn, Tổng công ty theo thẩm quyền, như: Chuỗi dự án khí - điện lô B; dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4; dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I & II; dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; các dự án đường dây 500 kV Nhà  máy nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định I - Thanh Hóa, đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; các dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi, nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, thành phần 3 - dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1…

Giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6/2024 ước đạt 66.960 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch năm và bằng 120% so với cùng kỳ. Một số dự án lớn, trọng điểm tính đến hết tháng 6/2024 có giá trị thực hiện đầu tư cao so với kế hoạch năm 2024 như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 đạt khoảng 40,09%, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đạt khoảng 41,64%; các dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dự kiến hoàn thành trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó các dự án thuộc lĩnh vực giao thông cũng được triển khai và đạt kết quả như : Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 24,1%; dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng đạt khoảng 14,91%; dự án thành phần 3 - dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 8,45%, tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 32,8%.

Theo đại diện CMSC, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì ổn định; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, điều này được thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính khá như: Tài chính Hợp nhất (Công ty mẹ - Công ty con), doanh thu ước đạt 1.018.920,93 tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 56.874,89 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ; Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 86.217,51 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch CMSC, năm 2024 ghi dấu sự chuyển biến khá của nhiều đơn vị, rõ nét nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ông Hùng chia sẻ, đây là 2 đơn vị được xem là “điểm nóng” của Ủy ban nhưng năm nay đã có diện mạo khác.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 151,73 tỷ kWh, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là điểm tích cực đáng ghi nhận. Liên quan đến việc tối ưu hóa chi phí, ông Tuấn cho biết EVN đã tiết kiệm tối đa sau khi trừ đi chi phí giá thành mua điện. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng EVN đã nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ sát sao của CMSC trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và từng bước có hiệu quả.

Đại diện cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chia sẻ tại hội nghị là ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV. Theo ông Thanh, đã có những khó khăn chưa lường hết được khi triển khai các gói thầu tại các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành  mà đơn vị được giao. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan trong việc kiện toàn lại ban quản lý dự án, rà soát lại các hồ sơ gói thầu để tìm ra những hồ sơ tốt, từ đó mới có được chất lượng thầu tốt.

Một điểm đáng ghi nhận của ACV trong 6 tháng đầu năm là con số doanh thu và lợi nhuận đề tăng khá hơn so với cùng kỳ, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được chung tay tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định.

Vê phía các Tập đoàn, Tổng công ty còn hạn chế trong việc hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Ủy ban đã giao; triển khai và giải ngân một số dự án đầu tư; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Một số Tập đoàn, Tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Uỷ ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Uỷ ban làm đại diện chủ sở hữu, khắc phục tình trạng trước đây, nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.

Người đứng đầu CMSC thông tin, Ủy ban tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Đồng thời Uỷ ban kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Tập đoàn, Tổng công ty phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, 19 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục