Các hãng bán lẻ thời trang Mỹ tìm cách thu hút "hầu bao" người tiêu dùng

07:27' - 30/08/2022
BNEWS Trong bối cảnh lạm phát và giá cả các mặt hàng đều tăng, người tiêu dùng Mỹ giảm mua các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có quần áo.

Điều này khiến các nhà bán lẻ tại nước này phải thực hiện các chiêu thức hấp dẫn để hút "hầu bao" của khách hàng.

Gap là hãng thời trang bán lẻ mới nhất thông báo mức tiêu thụ giảm mạnh trong quý II vừa qua. Trong báo cáo ngày 25/8, doanh thu ròng của hãng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dừng ở mức 3,86 tỷ USD.

Giám đốc tài chính của Gap Katrina O’Connell cho biết doanh thu "ảm đạm" buộc hãng phải điều chỉnh phương án kinh doanh nhằm giảm lượng tồn kho và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây không chỉ là chủ trương riêng của Gap mà hầu như các hãng bán lẻ khác của Mỹ đều phải tính tới trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Hồi đầu tháng này, 2 "gã khổng lồ" bán lẻ khác là Walmart và Target đã phải tung ra các chương trình giảm giá quần áo.

 

Người mua hàng có thể thấy nhiều bảng hiệu khuyến mãi hơn khi các hãng đẩy nhanh việc giải phóng lượng tồn kho. Bà O'Connell dự báo mức tồn kho của Gap trong quý III sẽ tương đương với mức của quý II, song sẽ cải thiện vào quý IV năm nay.

Thống kê cho thấy biểu đồ doanh thu của các nhà bán lẻ may mặc và phụ kiện tại Mỹ hầu như "đi ngang". Trong 12 tháng tính đến hết tháng 7 vừa qua, mức tăng trưởng trung bình của mặt hàng này chỉ khoảng 0,2%.

Hollister, dòng quần áo giá rẻ của hãng bán lẻ Abercrombie and Fitch (Mỹ), ghi nhận doanh thu giảm 15% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khách hàng không còn "mặn mà" với các danh mục hàng chủ chốt của hãng.

Giám đốc điều hành (CEO) Abercrombie and Fitch, Fran Horowitz nhận định trong trường hợp các xu hướng gần đây vẫn không thay đổi, hãng có thể sẽ tiếp tục tận dụng mức giảm giá trong quý III để duy trì các mặt hàng theo mùa.

Walmart và Target, vốn đang gặp khó khăn với lượng tồn kho các sản phẩm mùa trước, đang tăng cường các chương trình với giá ữu đãi hơn.

Bà Jessica Ramírez, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của hãng phân tích thị trường Jane Hali and Associates, nêu rõ các nhãn hàng Gap hay Old Navy tung ra chương trình giảm giá sâu.

Mới đây, trong cuộc trao đổi với các nhà phân tích, các hãng thời trang Victoria’s Secret, Urban Outfitters và Kohl’s cho biết xu hướng mua sắm hiện nay của người tiêu dùng là chọn lọc. Ví dụ: khách hàng thường săn lùng chương trình khuyến mãi hoặc không mua hàng nguyên giá mà chờ có ưu đãi.

Đáng chú ý, các dòng thời trang dành cho giới trẻ như PINK của Victoria's Secret hay Urban Outfitters không hút khách. Theo CEO của Victoria’s Secret Martin Waters, hãng này sẽ thận trọng hơn trong chiến lược kinh doanh nửa cuối năm nay.

Trong khi đó, Kohl’s cho biết doanh thu quần áo trẻ em giảm trong quý II năm nay vì thiếu các sản phẩm cơ bản.

Tuy vậy, trong bối cảnh người lao động trở lại làm việc trực tiếp, thời trang công sở lại đắt khách hơn. Hãng thời trang cao cấp Banana Republic ghi nhận mức tiêu thụ gia tăng của các mặt hàng có mức giá bình thường.

Tập đoàn bán lẻ Macy's và  Kohl’s cho biết nhu cầu quần áo công sở vẫn được củng cố. Theo Kohl’s, hãng này đang đầu tư vào các dòng quần áo lịch thiệp dành cho nhân viên công sở như Simply Vera, Lauren Conrad hay Nine West.

CEO của Macy's  Jeffrey Gennette nhận định quần áo công sở nam và nữ là những mặt hàng "an toàn", với giá bán trung bình quần áo của nam và nữ tăng lần lượt 29% và 20%. Song song với đẩy mạnh mặt hàng chủ lực phù hợp với thị hiếu của khách hàng, các hãng bán lẻ đều thực hiện các kế hoạch "xả hàng" tồn kho với chương trình ưu đãi hấp dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục