Các hãng xe điện Trung Quốc sẽ duy trì mức giá thấp ở châu Âu

09:15' - 11/10/2024
BNEWS MG Motor, BYD và các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc cho biết sẽ duy trì mức giá niêm yết thấp ở Liên minh châu Âu (EU) ngay cả sau khi bị áp thuế cao trong tháng này.

MG, thương hiệu xe điện Trung Quốc bán chạy nhất ở châu Âu, cho biết sẽ đảm bảo giá đến cuối năm 2024, khi đã tích trữ xe trước khi thuế có hiệu lực.

MG, một biểu tượng của nền công nghiệp ô tô Anh, hiện là công ty con của Shanghai SAIC, phải chịu mức thuế 35,3% của EU.

Phó Chủ tịch của MG Motor France, Julien Robert, cho biết, giá trên thị trường ô tô đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng mong muốn của hãng là cung cấp những chiếc xe ứng dụng công nghệ, an toàn và ít gây ô nhiễm môi trường cho người lái xe ở Pháp vẫn không thay đổi.

BYD, hãng đối mặt với mức thuế 17%, đang mở hàng trăm đại lý trên khắp châu Âu và đang triển khai các chương trình giảm giá cho các mẫu sedan và xe thể thao đa dụng (SUV) của mình.

Bắt đầu từ cuối tháng 10/2024, xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu sẽ bị áp mức thuế lên tới 45%.

Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc nhận trợ cấp lớn của Nhà nước và cho rằng việc áp thuế là cần thiết để tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Tesla, hãng bị áp thuế chỉ 7,8%, ban đầu đã tăng giá mẫu sedan Model 3 sản xuất tại Trung Quốc trước khi hạ giá vào ngày 8/10. Xpeng, hãng chỉ bán các mẫu xe cao cấp ở châu Âu, cũng cho biết sẽ không tăng giá.

Theo nhà tư vấn Sebastien Amichi tại Kearney, các công ty Trung Quốc có thể tránh được việc tăng giá trong vòng 2 đến 3 năm, đặc biệt nếu họ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.

 

Ông cho biết, doanh số bán xe của Trung Quốc ở châu Âu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 300.000 chiếc vào năm 2024 trên tổng số 15 triệu xe trên thị trường, và do đó dễ dàng được trợ cấp.

Theo các nguồn tin thân cận, EU mới đây đã từ chối đề xuất của Chính phủ Trung Quốc về việc áp dụng mức giá sàn 30.000 euro (tương đương 32.946 USD) đối với xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc hy vọng động thái này sẽ giúp tránh được các mức thuế mà EU dự kiến áp đặt vào tháng tới.

EC cho biết, cơ quan này đã từ chối đề nghị về giá sàn từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc một tháng trước, trong khuôn khổ cuộc điều tra chống trợ cấp đang đẩy Trung Quốc và EU vào cuộc tranh chấp thương mại lớn nhất trong 10 năm.

Theo số liệu năm 2023 của công ty dữ liệu JATO Dynamics, giá xe điện trung bình ở Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với ở châu Âu và Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô của nước này được hưởng một loạt lợi thế về chi phí, từ việc tiếp cận nguyên liệu thô và pin trong nước đến các khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ Trung Quốc.

Giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện chạy pin ở Trung Quốc vào khoảng 32.000 euro (35.126,40 USD) trong nửa đầu năm 2023, bao gồm cả các mẫu xe như Seagull của BYD được bán với giá dưới 10.000 euro.

Ngược lại, theo dữ liệu của JATO, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện chạy pin ở châu Âu là 66.000 euro. Hầu hết các mẫu xe giá rẻ hơn đang được phát triển, ở mức khoảng 20.000 euro, sẽ không được tung ra thị trường cho đến ít nhất là năm 2025, trong đó Volkswagen đặt mục tiêu sản xuất xe có giá 20.000 euro vào năm 2027.

Khi từ chối đề xuất của Trung Quốc, EU cho biết, vấn đề không chỉ ở mức giá mà các nhà sản xuất ô tô đưa ra cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc, mà còn ở các khoản trợ cấp sản xuất xe điện.

EC đã từ chối cung cấp chi tiết về các đề nghị, theo đó các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc cam kết tuân thủ các ngưỡng giá nhất định để tránh làm tràn ngập các loại xe giá rẻ ở thị trường châu Âu, mà khối này cho rằng các đối thủ địa phương không thể cạnh tranh được.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như SAIC và BYD đang định giá các mẫu xe điện của họ ở mức chỉ hơn 30.000 euro tại châu Âu, mặc dù các nhà sản xuất này bán chúng với giá thấp hơn nhiều ở thị trường nội địa, cho thấy sự linh hoạt của họ nhưng cũng là sức hấp dẫn của việc bán hàng ở châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục