Các khoản hỗ trợ chính phủ khiến chính sách của BoJ bộc lộ điểm yếu

20:26' - 09/02/2022
BNEWS Giới quan sát đang cảnh báo rằng lượng tiền gửi tăng cao do các khoản chi tiền mặt khổng lồ của Chính phủ Nhật Bản đang gây căng thẳng cho một số ngân hàng.
Giới quan sát đang cảnh báo rằng lượng tiền gửi tăng cao do các khoản chi tiền mặt khổng lồ của Chính phủ Nhật Bản đang gây căng thẳng cho một số ngân hàng, cũng như gây khó cho những nỗ lực của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc giảm thiểu “tác dụng phụ” của chính sách lãi suất âm.
 

Ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản - MUFG Bank đã bị tính lãi suất âm vào tháng trước đối với các khoản tiền gửi tại BoJ, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi chính sách này được thông qua vào năm 2016.

Đó là hậu quả không mong muốn của việc tiền gửi tăng đều đặn, vì các hộ gia đình và các công ty đã tiết kiệm một số khoản chi trả mà họ nhận được từ chính phủ để chống chọi với đại dịch COVID-19.

Trường hợp của MUFG cho thấy nỗ lực trong nhiều năm qua của các ngân hàng lớn trong việc tránh phải trả tiền lãi, chẳng hạn như bằng cách chuyển tiền từ quỹ dự trữ của BOJ sang các khoản đầu tư và cho vay, có thể đã đạt đến giới hạn.

Số dư tiền gửi tại các ngân hàng lớn của Nhật Bản, bao gồm MUFG, đã lên tới 446.000 tỷ yen (3.870 tỷ USD) vào tháng 1/2022, tăng 14% so với mức trước đại dịch hồi đầu năm 2020. Giới quan sát chỉ ra rằng lượng tiền gửi vẫn  thể tăng hơn nữa khi chính phủ nước này có kế hoạch chi thêm 2.000 tỷ yen tiền mặt cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ.

Là một phần trong nỗ lực giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp và thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền thay vì giữ lại khoản tiền mặt khổng lồ, BoJ đã áp lãi suất 0,1% đối với một phần dự trữ vượt mức mà các tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng trung ương này. Đồng thời BoJ đã có các động thái khác nhau để giới hạn quy mô khoản dự trữ bị áp phí, nhằm giảm thiểu thiệt hại mà chính sách lãi suất cực thấp có thể gây ra cho lợi nhuận của các ngân hàng.

Trên thực tế, khoản phí chỉ áp dụng đối với 300 tỷ yen dự trữ của MUFG trong khoảng thời gian một tháng kết thúc vào ngày 15/1. Đây chỉ là “hạt muối bỏ bể” so với tổng số tiền khoảng 186.000 tỷ yên mà các ngân hàng lớn gửi tại BoJ.

BoJ cũng bù đắp cho các ngân hàng lớn với lãi suất thưởng 0,1% cho một khoản dự trữ riêng khác. Tổng số tiền mà các ngân hàng nhận được hàng năm ước tính vào khoảng 950 tỷ yen.

Phó Thống đốc BoJ Masazumi Wakatabe vào tuần trước đã phản bác lại quan điểm rằng sự việc của MUFG nêu bật những hạn chế của các biện pháp kích thích lớn. Ông khẳng định đó không phải dấu hiệu cho thấy khuyết điểm của chính sách lãi suất âm đã hiện hình.

Nhưng sự việc của MUFG xảy ra vào thời điểm khá “tế nhị” đối với BoJ, vốn đang vật lộn để đối phó với các đồn đoán của thị trường về một động thái điều chỉnh chính sách trong ngắn hạn khi các ngân hàng trung ương khác đang tìm cách thoát khỏi lãi suất cực thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục