Các kịch bản chính sách thương mại của Mỹ hậu bầu cử 2024

18:07' - 07/08/2024
BNEWS Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên Donald Trump có sự khác biệt rõ rệt về các ưu tiên xung quanh thuế nhập khẩu và chính sách thương mại với các nước.

Sự không chắc chắn xung quanh kết quả bầu cử và tác động đáng kể của chính sách thương mại của Mỹ đối với chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp bắt đầu lập kế hoạch dự phòng cho diễn biến sau cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ.

Bà Harris nếu đắc cử Tổng thống Mỹ trong tương lai có thể sẽ duy trì phần lớn chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Bieden đương nhiệm, bao gồm các rào cản nhập khẩu đối với những công nghệ và lĩnh vực cụ thể, kết hợp với việc tiếp cận thị trường ưu đãi cho các đồng minh địa chính trị. Đây là một chính sách nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn khác đối với chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.

 

Trong khi đó, tại chương trình nghị sự đầu tiên về chính sách thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ nên vì lợi thế địa chính trị mà "nhắm mắt làm ngơ" trước các hoạt động thương mại không công bằng gây bất lợi cho công nhân, nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp Mỹ. Điều này cho thấy ông Trump có quan điểm khác với chính sách thương mại kéo dài 70 năm của Mỹ, một chính sách mở cửa thị trường với niềm tin rằng tăng trưởng kinh tế ở các nước khác sẽ làm giảm nguy cơ tái diễn một "cuộc chiến" thương mại của nước này. Ông Trump ủng hộ một chính sách rộng hơn về thuế toàn cầu để giảm thâm hụt thương mại hàng hóa và giải quyết các hành vi thương mại được cho là không công bằng.

Giờ là lúc để các công ty và nhà đầu tư toàn cầu đánh giá rủi ro và lỗ hổng chuỗi cung ứng có thể xảy ra với doanh nghiệp của họ trong từng tình huống và xác định các biện pháp chủ động cần thiết để giảm thiểu tác động của chúng.

*Trọng tâm chính sách thương mại của bà Kamala Harris

Bà Harris có kinh nghiệm không quá phong phú về chính sách thương mại. Chương trình nghị sự của bà Harris sẽ được xác định rõ ràng hơn trong những tháng tới, nhưng với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ (nhiệm kỳ 2021-2025) và là Thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ 2017-2021), bà ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường chủ nghĩa đa phương với các đối tác Mỹ, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và đặt vấn đề môi trường cũng như bảo vệ người lao động Mỹ lên hàng đầu trong chính sách thương mại.

Vì những lý do này, Chính phủ Mỹ dưới thời của bà Harris có thể sẽ duy trì nhiều chính sách thương mại của ông Biden, bao gồm việc giữ nguyên các hàng rào thuế quan cao đối với các quốc gia khác nhau để bảo vệ những ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ. Chính sách thương mại của Mỹ sẽ chú trọng đến quan hệ thương mại với Trung Quốc bằng các mức thuế bổ sung để theo đuổi việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ, đồng thời liên tục mở rộng kiểm soát xuất khẩu trong một loạt lĩnh vực công nghệ cao.

Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa bảo hộ và thờ ơ trước các thỏa thuận thương mại tự do đã bắt đầu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhưng đã ảnh hưởng tới quan điểm về chính sách thương mại của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ – một xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới bất kể kết quả bầu cử năm 2024 có ra sao.

Tuy nhiên, chủ trương của bà Harris khác với quan điểm bảo hộ của ông Trump ở chỗ sẵn sàng cung cấp quyền tiếp cận thị trường ưu đãi của Mỹ cho các đồng minh địa chính trị để theo đuổi các ưu tiên khác, chẳng hạn như tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), cung cấp các khoản trợ cấp đầu tư hấp dẫn cho các quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc một thỏa thuận được đàm phán đặc biệt - chẳng hạn như thỏa thuận với Nhật Bản và hiện đang được đề xuất cho Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Mỹ đã đưa ra những khuyến khích tương tự để xây dựng lại ngành sản xuất chip nội địa của Mỹ và cũng nỗ lực kêu gọi các quốc gia tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Tất cả các chính sách này được thiết kế để khuyến khích các nước thứ ba - đặc biệt là các đồng minh thân cận của Mỹ- giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thương mại của Trung Quốc. Khía cạnh đa phương này của chính sách thương mại Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục dưới thời của bà Harris.

*Quan điểm khác biệt của ông Donald Trump

Các ưu tiên của ông Trump tập trung đặc biệt hơn vào việc giảm thâm hụt thương mại hàng hóa và trừng phạt các quốc gia bị cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng. Trong chiến dịch tranh cử, ông và các cố vấn của mình đã đề xuất các rào cản nhập khẩu cao đối với nhiều quốc gia, ngay cả các đồng minh của Mỹ, với mức thuế nhập khẩu đặc biệt cao (60%) dành riêng cho tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cựu Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer – những kiến trúc sư của chính sách thương mại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump – có khả năng sẽ quay trở lại hỗ trợ cho chính phủ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump nếu ứng cử viên này đắc cử. Ông Navarro ủng hộ chính sách thuế quan "có đi có lại" như một biện pháp khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ, trong khi ông Lighthizer nghiêng về việc tăng thuế toàn cầu đối với tất cả các quốc gia. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump đã cam kết sẽ thực hiện cả hai chính sách này.

Thuế quan "có đi có lại" - một chính sách phản ánh thuế nhập khẩu mà các quốc gia khác áp dụng đối với Mỹ - sẽ mang lại lợi ích cho các công ty từ những quốc gia vốn có thuế nhập khẩu thấp, chẳng hạn như New Zealand (Niu-di-lân) hoặc Nhật Bản. Trong khi đó, việc tăng thuế toàn cầu sẽ gây tổn hại một cách không tương xứng cho các quốc gia nhỏ hơn và ít giàu có hơn, vốn không phải là rủi ro đối với an ninh kinh tế Mỹ.

Theo một số dự đoán, nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump được cho là sẽ theo đuổi chính sách thuế quan thương mại mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì đã thấy dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.

Tại cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2019 của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris, khi đó là thượng nghị sĩ đại diện cho bang California, đã đưa ra lời "kêu ca" đối với nền kinh tế do Tổng thống Donald Trump điều hành. Bà Harris coi hành động cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân của ông Trump là "món quà dành tặng cho người giàu".

Bà lập luận rằng sự việc thị trường chứng khoán “bùng nổ” đã dẫn đến tình trạng tầng lớp trung lưu ngày càng bị bỏ lại phía sau, đồng thời cho rằng chính sách thương mại của ông Trump sẽ ảnh hưởng bất lợi cho những người nông dân Mỹ. Bà nói: “Nền kinh tế này không có lợi cho những người lao động. Đã quá lâu rồi, các quy tắc luôn được viết ra theo chiều hướng có lợi cho những người vốn đang hưởng lợi và gây thiệt thòi cho những người làm việc nhiều nhất”.

Giờ đây, trong một tình huống mới, khi bà Harris đã sẵn sàng để thay thế cho Tổng thống Joe Biden trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, tham gia tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, Phó Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với thách thức trong việc đưa ra tầm nhìn của bà trong việc làm thế nào để “chèo lái” nền kinh tế Mỹ vẫn đang vật lộn với lạm phát. Bà cũng buộc phải thể hiện được sự khác biệt rõ ràng với chính sách của ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, người đã hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế cho cử tri và nâng thuế quan với hàng nhập khẩu.

Cho dù ai là người nắm quyền điều hành Nhà Trắng vào năm 2025 sau khi cuộc bầu cử sắp tới kết thúc, các doanh nghiệp và tổ chức đều đang tiến hành đánh giá rủi ro dựa trên các kịch bản khác nhau, đồng thời sẵn sàng ứng phó nguy cơ khủng hoảng xảy ra để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tính liên tục trong hoạt động thương mại trước mọi tình huống bất ngờ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục