Các loại bánh cổ truyền hút khách dịp Tết

14:53' - 13/02/2018
BNEWS Bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc và giò trâu, chả trâu... là những đặc sặc nổi tiếng của tỉnh Hải Dương luôn thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán, lượng hàng bán ra tăng mạnh.

Công ty TNHH bánh đậu xanh Gia Bảo - một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng tại Hải Dương tiêu thụ trung bình khoảng 350 - 400 tấn bánh đậu xanh trong dịp Tết cổ truyền. Đại diện Công ty cho biết, vài năm nay, nắm bắt được xu hướng thị trường và thị hiếu của khách hàng, Công ty đã nghiên cứu và sản xuất các mẫu bao bì phong phú, đa dạng như hình nén vàng, quả đào tiên, rồng vàng, ông địa...

Các loại bánh cổ truyền hút khách dịp Tết. Ảnh: Foody

Những mẫu sản phẩm này trang trí vừa đẹp mà còn thích hợp để bày lên bàn thờ gian tiên trong dịp Tết nên rất hút khách.

Không những thế, bên cạnh các sản phẩm bánh đậu xanh có hương vị truyền thống, Công ty TNHH bánh đậu xanh Gia Bảo còn có các sản phẩm có nhiều hương vị đa dạng khác như: hương trà xanh, ca cao, dừa … với bao bì phong phú, được khách hàng ưa chuộng. Đồng thời, Công ty còn sản xuất sản phẩm bánh đậu xanh dành cho người bị tiểu đường để mọi khách hàng đều có thể thưởng thức đặc sản đặc sắc của Hải Dương.

Bên cạnh Gia Bảo, Hải Dương hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh khá nổi tiếng như: Việt Hương, Bảo Hiên, Nguyên Hương, Bảo Long, Bá Tiến, Minh Ngọc, Quê Hương, Rồng Vàng… Bánh đậu xanh truyền thống của Hải Dương có màu vàng nhạt, hương thơm dịu dàng, vị thanh bùi của đậu xanh, ngọt ngào của đường kính, kết hợp với dầu thực vật... Khi thưởng thức bánh đậu xanh và một chén trà nóng có thể cảm nhận được vị ngậy, thơm, mát dịu… Không chỉ được ưa chuộng trong nước, dịp này, bánh đậu xanh của Hải Dương còn đang tiến bước mạnh mẽ ra thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội bánh đậu xanh Hải Dương, hiện, 70% số doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh của tỉnh đã có sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… Thậm chí, có doanh nghiệp đã xuất khẩu được bánh đậu xanh sang Nga và một số nước khu vực Nam Phi.

Cùng với bánh đậu xanh, trong dịp Tết, Hải Dương còn đặc sản bánh gai, bánh gấc mà thủ phủ là ở huyện Ninh Giang luôn thu hút nhiều khách hàng tìm mua. Cao điểm làm bánh Tết của cửa hàng bánh gai Minh Tân, thị trấn Ninh Giang bắt đầu từ sau 23 tháng Chạp. Khách hàng chủ yếu mua trực tiếp tại cơ sở. Bên cạnh đó, một lượng lớn bánh được gửi ô tô khách đi các nơi cho những khách ở xa đặt hàng qua điện thoại.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở bánh gai Bà Tới, một trong những nhãn hiệu nổi tiếng chia sẻ, hiện mỗi ngày cơ sở bán ra khoảng trên 3.000 chiếc bánh gai và bánh gấc, trong khi ngày thường chỉ bán được khoảng 1.000 chiếc. Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lượng bánh gấc tiêu thụ gấp 3 lần so với bánh gai. Bởi theo quan niệm dân gian, bánh gấc có màu đỏ, tượng trưng cho may mắn, hanh thông. Thế nên vào ngày Tết, người dân rất chuộng loại bánh này.

Để kịp đáp ứng nhu cầu bánh dịp Tết, bà Nga phải thuê thêm lao động. Nếu như ngày thường chỉ duy trì 6 thợ với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng thì trong những ngày này, cơ sở phải thuê khoảng 10 thợ và trả lương theo sản phẩm với mức cao hơn so với ngày thường.

Thợ của cơ sở làm việc liên tục từ sáng đến tối, mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị nhân, lá, gói bánh, hấp bánh, giao hàng cho khách mua trực tiếp và chuyển xe ô tô gửi bánh đi các nơi.

Hiện Ninh Giang có khoảng 48 cơ sở làm bánh gai, bánh gấc; trong đó, khoảng 20 cơ sở tập trung ở thị trấn Ninh Giang. Bên cạnh cơ sở Bà Tới, nhiều cơ sở khác như Minh Tân, Nhân Hưng, Trần Bình, Tuyết Nga… cũng đều đắt khách.

Một số cơ sở lớn vẫn làm bánh đến tận 30 Tết, chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, sang ngày mùng 2 Tết đã sản xuất trở lại. Trung bình, hàng ngày, mỗi cơ sở này sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 chiếc bánh gai, bánh gấc.

Bên cạnh món bánh gai và bánh gấc dân dã, món giò trâu và chả trâu Ninh Giang cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp này.

Món giò, chả trâu ở Ninh Giang mới có khoảng 20 năm trở lại đây nhưng đang ngày càng thịnh hành và được người tiêu dùng các nơi biết đến. Ban đầu, chỉ một vài hộ gia đình làm, nhưng đến nay đã có khoảng 10 cơ sở làm thường xuyên.

Trong dịp Tết, những cở sở lớn có ngày cung ứng cho thị trường khoảng 6 đến 7 tạ giò, chả trâu.

Theo chủ cơ sở Hòa Trâu, thị trấn Ninh Giang, từ khoảng 20 tháng Chạp đã có khách hàng gọi điện đặt mua hàng Tết. Ngày thường, mỗi tháng cơ sở này bán ra khoảng 1 tấn giò, chả trâu nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày Tết đã bán ra khoảng 6 tấn. Nhân viên phải làm ngày làm đêm mới kịp giao cho khách đặt.

Trước Tết khoảng 2 tháng, các cơ sở sản xuất giò, chả đã phải chuẩn bị nguyên liệu kỹ càng cho đợt hàng Tết. Chính vì vậy, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá thì món giò, chả trâu vẫn giữ giá như ngày thường.

Bên cạnh các loại bánh kẹo, hoa quả và thực phẩm nhập ngoại thì hiện nay, các sản phẩm truyền thống được sản xuất với chất lượng đảm bảo vẫn được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa.

Mỗi dịp Tết đến, bên cạnh việc nâng cao doanh thu thì đây cũng là cơ hội để các đặc sản thế mạnh của mỗi địa phương có dịp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, từng bước hội nhập, cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập khác./.

>>>Giá nhiều mặt hàng thủy sản tăng cao dịp Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục