Các mặt hàng nông, thủy sản của Tiền Giang rộng đường xuất khẩu

09:42' - 04/02/2025
BNEWS Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, trong tháng 1/2025, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, đạt khoảng 8% chỉ tiêu cả năm.

Trong đó, các mặt hàng nông thủy sản thế mạnh của tỉnh như: gạo, rau quả… đều tăng khá ngay từ tháng đầu năm.

 

Cụ thể, trong tháng 1/2025, Tiền Giang đã xuất được gần 13.000 tấn gạo, thu khoảng 8 triệu USD, tăng trên 53% về lượng và tăng trên 37% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; các mặt hàng rau quả cũng xuất được gần 4.500 tấn, thu về 15 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và tăng trên 56% về giá trị so với cùng kỳ năm trước…

Địa phương đang phấn đấu trong năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 6,3 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2024.

Để góp phần đạt mục tiêu này, các ngành chức năng nỗ lực khai thác những thế mạnh, nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản thế mạnh địa phương nói riêng.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, ngay từ đầu năm 2025, địa phương đúc kết kinh nghiệm những năm trước, đưa ra những giải pháp điều hành hợp lý và hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút ngoại tệ đầu tư phát triển.

Trọng tâm là quan tâm khuyến khích doanh nghiệp chú trọng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; giải quyết cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo…

Măt khác, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Đối với các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của địa phương: thủy hải sản chế biến, gạo, rau quả… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế tập thể xây dựng vùng nguyên liệu, lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác. Từ đó, tạo nguồn sản phẩm xuất khẩu ổn định chiếm lĩnh thị trường  các nước, thu hút ngoại tệ cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên nắm bắt tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… cũng như cập nhật kịp thời những diễn biến nóng trên thị trường các nước để cung cấp thông tin cần thiết đến các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực.

Các mặt hàng nông sản chủ lực của Tiền Giang rộng đường xuất khẩu là tín hiệu vui đầu năm mới 2025. Thị trường cũng ngày càng mở rộng, đa dạng, giúp nông sản hàng hóa tỉnh Tiền Giang tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, nông dân hưởng lợi. Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả Tiền Giang còn xuất sang nhiều nước như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Từ đó, thiết thực mở ra cơ hội mới khuyến khích nông dân đầu tư, thâm canh, xây dựng các vùng nguyên liệu nông – lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao, thu hút ngoại tệ, nâng cao thu nhập cho bà con nói riêng và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển bền vững nói chung.

Theo đánh giá, Tiền Giang có lợi thế về khí hậu, đất đai và nguồn nước ngọt phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có trên 84.000 ha vườn cây ăn quả cho sản lượng mỗi năm trên 1,7 triệu tấn quả các loại.

Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên 24.000 ha, sản lượng mỗi năm trên 400.000 tấn quả, trên 8.600 ha thanh long cho sản lượng mỗi năm khoảng 298.000 tấn quả, gần 22.500 ha dừa với sản lượng mỗi năm trên 246.000 tấn quả… Đây là những vùng nguyên liệu quan trọng phục vụ xuất khẩu của tỉnh. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, toàn tỉnh đã có 464 mã vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch với tổng diện tích trên 28.000 ha. Tiền Giang đang phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn bộ diện tích cây trồng đặc sản xuất khẩu sẽ được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch đi các nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục