Các mặt hàng xuất khẩu Lâm Đồng tiếp tục tăng trưởng mạnh

12:59' - 10/04/2025
BNEWS Ngày 10/4, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, các mặt hàng xuất khẩu địa phương tiếp tục có sự tăng trưởng, sau 3 tháng đã đạt giá trị gần 300 triệu USD, tăng 30,27% so với cùng kỳ năm 2024.

Cụ thể, trong tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 101,62 triệu USD, luỹ kế 3 tháng đầu năm đạt 289,37 triệu USD, tăng 30,27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,31% kế hoạch năm 2025; trong đó, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 170,3 triệu USD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 119,06 triệu USD.

 

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, các mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của địa phương gồm Alumin và hydroxit nhôm trong 3 tháng ước đạt 167,88 nghìn tấn và ước đạt giá trị 99,11 triệu USD, tăng 65,49% về giá trị so với cùng kỳ. Mặt hàng cà phê nhân ước đạt 14,16 ngàn tấn và ước đạt giá trị 76,03 triệu USD, tăng 38,25% về giá trị so với cùng kỳ. Mặt hàng chè chế biến với sản phẩm chè xanh, chè đen, chè Ô long và chè lên men xuất khẩu đạt 6,72 nghìn tấn và ước đạt giá trị 19,58 triệu USD, tăng 80,64% về lượng và 86,47% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu của các mặt hàng trên gồm Ấn Độ, Thuỵ Sĩ, Ý, Bỉ, Mỹ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan và Afghanistan…

Đối với mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cũng có mức tăng đáng kể trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và một số quốc gia ước đạt 6,72 nghìn tấn và ước đạt giá trị 19,58 triệu USD, tăng 11,12% về lượng và 16,06% về giá trị so với cùng kỳ; hoa cắt cành các loại ước đạt 17,59 triệu USD với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Đài Loan, một số nước EU, Asean…

Sở Công Thương Lâm Đồng cũng nhận định, dù có sự tăng trưởng nhưng lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá của địa phương vẫn còn những tồn tại, khó khăn như một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm về lượng, giảm về giá trị so với cùng kỳ. Do đó, trong quý 2, đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm tăng sức mua; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đồng thời, phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác kết nối cung cầu hàng hoá, tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng các kế hoạch về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục