Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn

14:57' - 09/12/2019
BNEWS Trước áp lực huy động để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn, trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã liên tục phát hành trái phiếu ra công chúng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ảnh minh họa:TTXVN
Trước áp lực huy động để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn, trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã liên tục phát hành trái phiếu ra công chúng, thay vì tiếp cận qua hệ thống các tổ chức tín dụng như truyền thống trước đây.
Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ do Công ty Chứng khoán SSI công bố ngày 9/12, sau tháng 10 chững lại, tháng 11 các ngân hàng thương mại lại đẩy mạnh phát hành trái phiếu với 14.149 tỷ đồng trái phiếu mới, đưa số lũy kế phát hành của các ngân hàng thương mại trong 11 tháng lên mức 94.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất 45,5% trong các nhóm ngành tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã phát hành 8.618 tỷ đồng; trong đó có 2.800 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng. Đây là đợt phát hành ra công chúng lần thứ 2 của ngân hàng này sau đợt phát hành 3.000 tỷ đồng vào tháng 9/2019.
Từ đầu năm đến nay, BIDV đã phát hành tổng cộng 12.817 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 10 năm và đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng này, toàn bộ đều có lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm từ 1,1- 1,4%/năm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng.
Ngoài BIDV, trong tháng qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng phát hành thêm 80 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm để tăng vốn cấp 2. Các ngân hàng còn lại gồm VPB, VIB, LPB, SHB, HDB, Seabank chỉ phát hành các kỳ hạn 2-3 năm với lãi suất cố định 6,3 - 7%/năm.
Theo SSI, trong tháng 11/2019 đã có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, đưa tổng lượng phát hành 11 tháng qua là 206.680 tỷ đồng, bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Con số này chưa bao gồm các các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019, do chưa được công bố chi tiết.
Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ lũy kế 10 tháng của HNX, SSI ước tính lượng phát hành riêng lẻ 3 tháng đầu năm 2019 là khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng là khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Thống kê của SSI cho biết, kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường là 3,71 năm và 8,7%/năm; trong đó, nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm). Nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng nhưng vẫn thấp hơn nhóm các doanh nghiệp khác (10,49%) do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hồng Hoàng.
Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua 100 tỷ đồng trái phiếu 12 tháng của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam và hơn 456 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 4 năm của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai. Tổng lượng mua sơ cấp của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2019 là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% khối lượng phát hành.
Về phía các doanh nghiệp bất động sản, trong tháng 11, các doanh nghiệp này đã phát hành 6.952 tỷ đồng, tính chung 11 tháng năm 2019 là 71.312 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng lượng phát hành toàn thị trường. Lô phát hành lớn nhất trong tháng là 2.029 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng với kỳ hạn 12 tháng và do một định chế tài chính mua toàn bộ.
Các lô phát hành trái phiếu bất động sản lớn khác gồm: 1.500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng; 1.135 tỷ đồng trái phiếu 18 tháng của Công ty cổ phần Veracity- chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục