Các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động

09:19' - 11/09/2015
BNEWS Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh tăng.

Theo biểu lãi suất tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%), kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.

Giao dịch tại VP Bank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 5,3%/năm (tăng 0,2%), kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm (tăng 0,4%) và kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm (tăng 0,3%).

Biểu lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, mức tăng tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) từ 0,2 - 0,3%/năm.

Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại nhà nước lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) hầu như vẫn “án binh bất động”.

Trong báo cáo chiến lược tháng 9/2015 do Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố đã đề cập đến động thái nới biên độ và tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 và dự báo những tác động đến lãi suất cuối năm.

Báo cáo nêu rõ, những biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.

BVSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp.

“Như vậy, mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các ngân hàng có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm”, báo cáo nêu rõ.

Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tác động không mạnh đến lạm phát.

Hiện lạm phát đang ở mức rất thấp cho nên cũng không tác động đến lãi suất tiền gửi.

Ông Nghĩa phân tích: "Xét về mặt lý thuyết là nói khi ngân hàng trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm chứ không tăng".

Còn theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh trong quý III/2015 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đa số các tổ chức tín dụng kỳ vọng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III/2015.

Theo báo cáo này, khoảng 51-61% tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất tính đến cuối năm 2015 sẽ giảm so với cuối năm 2014, trong đó lãi suất cho vay được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng giảm hơn so với lãi suất huy động.

Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động ổn định trong khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ khoảng 0,13%/năm trong quý III/2015.

Tính đến cuối năm 2015, mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng giảm khoảng 0,2%/năm và lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm 0,44%/năm.

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong toàn ngành ngân hàng được các các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng bình quân 15,8% trong năm nay. Cơ cấu nguồn vốn huy động tiếp tục có xu hướng dịch chuyển dần sang các kỳ hạn trên 6 tháng trở lên./.

Đỗ Huyền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục