Các ngân hàng trung ương châu Á không vội cắt giảm lãi suất theo Fed

17:22' - 23/09/2024
BNEWS Bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mới bắt đầu từ ngày 18/9 vừa qua, các ngân hàng trung ương châu Á dường như vẫn chưa vội vàng hành động theo.
Bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ, mở đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất mới bắt đầu từ ngày 18/9 vừa qua, các ngân hàng trung ương châu Á dường như vẫn chưa vội vàng hành động theo.

 
Ông Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý đầu tư của Mỹ Vanguard, cho biết: “Các ngân hàng trung ương châu Á có dư địa để giảm lãi suất, nhưng họ chưa cần phải làm vậy. Họ vẫn chờ theo dõi thêm bước đi của Fed và biến động bên ngoài. Vì vậy, họ muốn di chuyển với tốc độ chậm hơn”.

Theo vị chuyên gia này, các yếu tố bên ngoài bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nhiều khả năng nếu ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump chiến thắng, “thế trận” thương mại thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Chuyên gia Adarsh Sinha, đồng Giám đốc chiến lược ngoại hối và lãi suất khu vực châu Á tại Bofa Global Research ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bước vào “chu kỳ cắt giảm khá từ từ”.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN dự kiến ở mức 4,7% trong năm 2025. Tuy nhiên, một số nước thành viên có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Dựa trên những kỳ vọng đó, ông Sinha cho rằng các ngân hàng trung ương ASEAN không nên cắt giảm lãi suất quá 0,25 điểm phần trăm mỗi quý. So với Fed, mức cắt giảm như vậy sẽ là chậm hơn, nhưng phù hợp với tình hình tại Đông Nam Á. Bofa Global Research ước tính Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm nay và 1,25 điểm phần trăm trong năm 2025.

Chuyên gia Sinha đánh giá Malaysia sẽ là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN. Ông dự báo ngân hàng trung ương nước này sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 3% cho đến hết năm sau, do lạm phát đang ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt. Vì vậy, không có sự cấp bách nào đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Malaysia phải bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay lập tức.

Chuyên gia Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng HSBC Hong Kong, nói thêm Ấn Độ là một trường hợp khác ở châu Á không bị ảnh hưởng bởi động thái cắt giảm lãi suất của Fed, do ít bị phụ thuộc hơn.

Các nhà kinh tế của HSBC dự báo ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ giữ nguyên lãi suất 6,5% tại kỳ họp tháng 10/2024. Nhưng biến động giá thực phẩm và dầu đi xuống có thể dẫn đến cơ quan này bắt đầu đảo chiều lãi suất vào tháng 12 tới.

Ở Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), các nhà hoạch định chính sách hôm 19/9 đã giữ nguyên lãi suất ở mức 2%, dựa trên lý do lạm phát tiếp tục dai dẳng và thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Do tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với khu vực, ngân hàng trung ương nước này là tâm điểm của giới quan sát thị trường châu Á.

Ngày 20/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) đã bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản 1 năm và 5 năm, lần lượt ở ngưỡng 3,35% và 3,85%. Nhưng ngày 23/9, PBoC đã tiến hành giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại (repo) đảo ngược, từ mức 1,95% xuống con 1,85%. Cơ quan này cũng bơm 74,5 tỷ nhân dân tệ (10,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua công cụ này.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang chờ đợi lãi suất hạ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ duy trì chu kỳ cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm. Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc lo ngại rằng lãi suất thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng quá nóng của thị trường bất động sản nội địa, khiến giá nhà ở thành phố Seoul và các khu vực lân cận tăng vọt.

Theo một báo cáo công bố ngày 6/9, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng tới. Hiện lãi suất cơ bản của nước này đang ở ngưỡng 3,50%, cao nhất kể từ năm 2008. Một nhóm chuyên gia uy tính của nước này cho biết nhiều khả năng ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2025, với mỗi lần cắt giảm là 0,25 điểm phần trăm.

Tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, Ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản xuống còn 6% vào ngày 18/9, chỉ vài giờ trước khi Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong bốn năm.

Vào tháng 8/2024, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (tức ngân hàng trung ương) đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5,25%. Ngân hàng trung ương Philippines cũng đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 6,25% trong cùng tháng đó, đánh dấu lần hạ lãi suất đầu tiên trong bốn năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục