Các nguy cơ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022

06:30' - 17/01/2022
BNEWS Sau sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2021 với mức tăng trưởng 5,9%, quỹ đạo phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể sẽ lại suy giảm trong năm nay.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Le Monde mới đây có bài đánh giá các nguy cơ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó nhận định rằng sau sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2021 với mức tăng trưởng 5,9%, quỹ đạo phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể sẽ lại suy giảm trong năm nay.

Tháng 12/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sẽ hạ dự báo ban đầu 4,9% xuống mức thấp hơn cho năm 2022. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng dự đoán sự suy giảm của khu vực đồng euro, ít nhất là vào đầu năm, so với dự tính ban đầu.

Nguyên nhân được chủ yếu có sự xuất hiện của biến thể Omicron trong đại dịch COVID-19, nguy cơ lạm phát tăng vọt, địa chính trị thế giới có nhiều biến động và sự gián đoạn về nguồn cung.
Kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng của COVID-19
Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ được quyết định phần lớn bởi diễn biến của đại dịch. Khi phát hiện ra biến thể Omicron cuối tháng 11/2021 dẫn đến một loạt biện pháp hạn chế mới được áp dụng, giá dầu đã lập tức giảm 10 USD/thùng và giá cổ phiếu của các hãng hàng không cũng lao dốc.

Biến thể này chỉ tác động một cách hạn chế đến kinh tế Mỹ và châu Âu nhờ các biện pháp hạn chế được nới lỏng, nhưng nó vẫn tác động đáng kể đến Trung Quốc, nơi tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero COVID” (Không COVID-19) với các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Đầu tháng 1/2022, các nhà phân tích tại Oxford Economics cho rằng tại châu Á, “niềm tin đã chịu tác động mạnh của Omicron, làm tăng nguy cơ giảm nhu cầu và gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng”. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì sự phục hồi của các nền kinh tế trên khắp thế giới vẫn đang diễn ra mạnh mẽ hơn so với thời điểm bắt đầu đại dịch.

“Mức độ nghiêm trọng của các biện pháp ngăn chặn cú sốc dịch bệnh đã giảm nhẹ. Cái giá về kinh tế do các biện pháp này gây ra cũng không còn nặng nề như trước khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi”, S&P Global Ratings nhận xét.
Nguy cơ của vòng xoáy lạm phát
Thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát năm 2020, các nhà kinh tế lo sợ sẽ xuất hiện tình trạng phá sản và thất nghiệp hàng loạt. Nhưng cuối cùng, do tác động thêm của giá năng lượng tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát mới là mối đe dọa chính. Cuối năm 2021, lạm phát tại Bắc Mỹ đạt mức kỷ lục 6,8% trong gần 40 năm, và gần 5% tại khu vực đồng euro. 
Các ngân hàng trung ương sẽ phải lựa chọn giảm hỗ trợ nền kinh tế để hạn chế giá cả tăng vọt hoặc ngược lại, duy trì chính sách tiền tệ thích ứng để hỗ trợ sự phục hồi mong manh.

Viện Đầu tư BlackRock nhấn mạnh: “Chủ đề chính của năm 2022 sẽ là các ngân hàng trung ương, và đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), phản ứng với lạm phát như thế nào”. Việc tăng lãi suất chính của Mỹ, như dự đoán của các nhà đầu tư, sẽ khiến đồng USD mạnh lên hơn so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Các nước mới nổi đặc biệt dễ bị tổn thương
Trong khi hầu hết các nước giàu có của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã trở lại mức GDP trước đại dịch, thì các nước nghèo và mới nổi lại phục hồi chậm hơn nhiều do có tỷ lệ tiêm vaccine thấp và nguồn lực hạn chế để có thể hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh tế. Chỉ có 8% dân số tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vào cuối năm 2021. 
“Áp lực lạm phát và giá năng lượng tăng cao có thể ảnh hưởng lớn đến ngân sách ở một số quốc gia mới nổi”, S&P Global Ratings cảnh báo đầu tháng 12/2021. Trong hơn một năm, lạm phát đã tăng vọt lên mức 36% ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12 và vượt mức 10% ở Brazil vào tháng 11/2021. Giá nông sản thế giới đã đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1974.

Tuy nhiên, ở một quốc gia có thu nhập trung bình, thực phẩm chiếm 1/4 chi tiêu của các hộ gia đình. Sự tăng giá này đã khuếch đại các nguy cơ xã hội. Tại Kazakhstan, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra đầu năm mới do giá nhiên liệu tăng đã dẫn đến việc chính phủ phải từ chức.

Tiếp tục tồn tại nguy cơ thiếu nguyên vật liệu
Đây là hậu quả không mong chờ từ các gói kích thích kinh tế khổng lồ được đưa ra tại châu Âu và Mỹ. Trong thời gian giãn cách xã hội, tiêu dùng của các hộ gia đình đã được duy trì bằng cách dịch chuyển từ dịch vụ sang tiêu dùng.

Do các hải cảng bị đóng cửa hoặc tắc nghẽn, châu Á đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu dịch chuyển này dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngày càng gia tăng. Tính trạng thiếu chất bán dẫn, hầu hết được sản xuất ở châu Á, đã buộc ngành công nghiệp ô tô phải cắt giảm sản lượng, gây thiệt hại gần 200 tỷ USD doanh thu.
Viễn cảnh phần nào tươi sáng hơn khi các nhà sản xuất ô tô đã tạo dựng quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà sản xuất chất bán dẫn để đảm bảo nguồn cung, chẳng hạn như Renault và Honda đã ký hợp đồng với nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm. Những tắc nghẽn trong vận chuyển, nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt này, có thể sớm được giải quyết. 
Chỉ số Baltic Dry, chỉ số vận tải biển hàng đầu, tính giá trung bình của một hành trình vận chuyển bằng container 40 feet, đã mất 17% giá trị kể từ tháng 9/2021, khi tăng gấp 4 lần trong tháng 1-9/2021. Nhưng mọi thứ lại bị đình trệ theo diễn biến của đại dịch: Những biện pháp hạn chế ngặt nghèo mới ban hành tại Trung Quốc có thể một lần nữa làm tê liệt chuỗi cung ứng.
Căng thẳng địa chính trị làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu
Căng thẳng ngoại giao dẫn đến ngày càng nhiều các đòn trả đũa thương mại. Năm 2020, khi Australia yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách ngăn chặn mọi hoạt động mua bán than của Australia hoặc áp thuế đối với thịt bò hoặc rượu nhập khẩu từ nước này.

Tháng 12/2021, Bắc Kinh cũng ngăn cản việc dỡ hàng hóa nhập cảng biển từ Lithuania để trừng phạt quốc gia Baltic này xích lại gần vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Viện Merics, một tổ chức tư vấn của Đức, nhận xét trong một ghi chú công bố tháng 12/2021 rằng các nước châu Âu ngày càng hứng chịu nhiều các áp lực kinh tế từ Trung Quốc.
Nói một cách tổng quát hơn, các biện pháp trừng phạt kinh tế được sử dụng như một phương tiện gây áp lực để giải quyết các tranh chấp ngoại giao. Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về “những hậu quả kinh tế chưa từng thấy” nếu Nga xâm lược Ukraine.

Báo chí Mỹ sau đó đưa ra khả năng loại Nga khỏi hệ thống giao dịch của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và điều này nếu xảy ra sẽ gây rất nhiều khó khăn cho toàn bộ các doanh nghiệp của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục