Chính sách tiền tệ làm gia tăng khoảng cách giữa các nền kinh tế giàu và nghèo

06:30' - 16/01/2022
BNEWS Năm 2022, thay vì sự quay lại của kịch bản suy thoái toàn cầu nghiêm trọng mà chúng ta đã từng thấy trong năm 2020, kịch bản năm 2022 được cho là sẽ phân hóa hơn.
Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo tờ The Financial Times của Anh, thế giới đã khởi đầu năm 2022 với những dư âm kỳ lạ của năm 2021. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi Omicron đã khiến số ca lây nhiễm tăng vọt khắp nơi trên thế giới, đe dọa đến triển vọng kinh tế. Viễn cảnh là lạm phát toàn cầu cao và lãi suất tăng, với những rủi ro nghiêm trọng dành cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương.

Năm 2021, các nền kinh tế tiên tiến có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến trước các làn sóng COVID-19 ngay cả khi chưa có vaccine ngừa virus hiệu quả. Làn sóng lây nhiễm biến thể Alpha đã tác động lớn đối với sức khỏe của con người, nhưng hầu như không làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các biện phát kích thích tiền tệ và tài khóa được cho là nhiều hơn mức cần thiết đã dẫn đến tình trạng dư thừa cầu và lạm phát.

Khả năng đối phó với biến thể Omicron được cho là sẽ dễ dàng hơn. Số ca nhiễm toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, nhưng số ca tử vong lại thấp hơn. Vaccine ngừa COVID-19 đã chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và cộng đồng cũng có khả năng miễn dịch tốt hơn với những người đã từng nhiễm bệnh. Do đó, các nền kinh tế tiên tiến được cho là sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn.

Bất chấp thông tin tốt này, các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) - những dự báo cho rằng các nền kinh tế tiên tiến có thể quay lại con đường sản lượng kinh tế được dự báo trước đại dịch mà không có bất kỳ tổn hại lâu dài nào - có thể là quá lạc quan.

Nguyên nhân là do chỉ số lạm phát cao đã cho thấy có những “nút thắt cổ chai” nghiêm trọng liên quan đến việc điều hành nền kinh tế vào năm ngoái. Trong khi đó, thị trường lao động có ít công nhân tìm kiếm việc làm hơn và khoảng thời gian hai năm với nguồn lực đầu tư yếu sẽ cản trở khả năng của các nền kinh tế trong việc cải thiện năng suất, vốn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mà không gây lạm phát.

Do đó, mối nguy lớn nhất cho các năm 2022 và 2023 vẫn là lạm phát do cầu vượt quá khả năng cung sẵn có. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phản ứng với mối đe dọa này một cách muộn màng khi mà Mỹ là nơi mối đe dọa này lớn nhất với lưu ý rằng họ có thể phải tăng lãi suất từ mức 0% hiện tại "sớm hơn hoặc với tốc độ nhanh hơn" so với các quan chức nghĩ lúc đầu.

Nhiều nhà quan sát có thông tin hiện cho rằng sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, cùng với đó là việc Fed sẽ bán ra một phần trái phiếu chính phủ đang sở hữu. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa chính sách tiền tệ thắt chặt hơn với lập trường chính sách tiền tệ có tính hạn chế cao. Lãi suất danh nghĩa 1% vẫn sẽ kích thích nhu cầu, đặc biệt là khi lạm phát vào cuối năm nay có khả năng cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Vấn đề đối với các nước nghèo là chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, nhưng vẫn mang tính kích thích của Mỹ có thể gây rắc rối cho họ. Như WB đã lưu ý trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm triển vọng vốn đã khó khăn đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Các nền kinh tế nghèo phải vật lộn để có thể phục hồi nhanh như các nền kinh tế tiên tiến, do thiếu sự tin tưởng và khả năng tiếp cận thị trường để tự do vay mượn nhằm bảo vệ người dân trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nếu không có sự kiên cường về tài chính và hệ thống an sinh xã hội rộng rãi, suy thoái ở các nền kinh tế mới nổi sẽ dai dẳng hơn và phục hồi sẽ yếu hơn. “Cơn bão” đầy đủ được bổ sung bởi những khó khăn mà những nền kinh tế này phải đối mặt trong việc tiếp cận vaccine và cung cấp vaccine cho người dân.

Khoảng thời gian hai thập kỷ mà trong đó mức sống của các nền kinh tế mới nổi tiến gần hơn tới mức sống của các nước giàu giờ đã kết thúc. Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập thực tế ở 70% số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến trong giai đoạn 2021-2023.

Khiếm khuyết trong đại dịch cũng có khả năng để lại những “vết sẹo” lớn và dai dẳng hơn nhiều. So với giả định (dù là lạc quan) là không có vết sẹo ở các nước giàu, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng sự phục hồi ở các nước nghèo sẽ thấp hơn gần 6% so với kỳ vọng trước đại dịch.

Theo IMF, điều này càng hạn chế khả năng của các nước này trong việc thanh toán các khoản nợ hiện có, vốn đã tăng 10% so với thu nhập quốc dân kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này có thể dẫn đến một cuộc “hạ cánh cứng”, nợ nần chồng chất và sự bất mãn xã hội ở các nước yếu hơn.

Không điều gì trong số này được thực hiện dễ dàng hơn bởi khả năng Fed “đạp phanh” mạnh hơn dự kiến trong năm nay, từ đó gây xáo trộn thị trường và thắt chặt các điều kiện tiền tệ toàn cầu. David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết triển vọng trong năm 2022 là “không mấy thuận lợi đối với các nước đang phát triển”.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đối mặt với các điều kiện không giống nhau. Trung Quốc có sức mạnh tài chính dồi dào để nâng đỡ nền kinh tế của mình trong ngắn hạn ngay cả khi điều này phải trả giá bằng việc phải tái cân bằng trong thời gian dài.

Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ điển hình về một quốc gia dễ bị tổn thương trước một cú sốc. Nợ công và nợ tư nhân cao cùng với sự tín nhiệm thấp đối với các thể chế kinh tế của nước này là một hỗn hợp độc hại. Các quốc gia ở vị trí tương tự đã chứng kiến sự tháo chạy về vốn và đối mặt với mối đe dọa của một vòng luẩn quẩn làm triển vọng suy yếu và gia tăng tính dễ bị tổn thương.

Ngân hàng Thế giới dự báo 40% các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn có thu nhập quốc dân dưới mức năm 2019 vào năm 2023. Đó là những điều kiện có khả năng thúc đẩy một tính toán trong năm nay hơn là gây ra những sự xáo trộn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục