Các nhà bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh linh hoạt mô hình kinh doanh khi tái mở cửa

14:42' - 23/09/2021
BNEWS Nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại "vùng xanh" ở TP. Hồ Chí Minh cũng như một số nhóm ngành hàng được phép mở cửa bán buôn đã linh hoạt mô hình kinh doanh doanh để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới.

Ghi nhận sau một tuần việc Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm "triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể" từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9/2021, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại "vùng xanh", cũng như một số nhóm ngành hàng được phép mở cửa bán buôn đã triển khai linh hoạt mô hình kinh doanh doanh để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường.

* Sẵn sàng quay lại thị trường Theo đó, hầu hết đơn vị kinh doanh đều tuân thủ quy định bán buôn với hình thức "bán mang về" và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, để từng bước quay trở lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh mới của thị trường, các đơn  vị kinh doanh đều tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là chuyển hướng sang kênh bán hàng online, nhận đặt hàng qua điện thoại...

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Tùng Minh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh ngành hàng trái cây nhập khẩu trên đường Nguyễn Thị Thập ở Quận 7 cho hay, việc đầu tiên tái mở cửa hoạt động là phải bắt tay vào đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng mạng lưới khách hàng tiềm năng trên thị trường online. Trong đó, cửa hàng bắt đầu kênh bán hàng online bằng hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, website...

Theo anh Tùng Minh, để tiếp cận được khách hàng tiềm năng, thì cửa hàng kết nối chặt chẽ với khách hàng thân thiết và thông qua nhóm này để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm đến những người thân, bạn bè và địa bàn dân cư - nơi họ cư trú. Bên cạnh đó, cửa hàng thực hiện số hóa hình ảnh, thông tin giá cả và nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi người tiêu dùng "đi chợ online".

Tương tự, anh Thanh Tâm, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh ngành hàng thực phẩm chế biến, đóng gói tại huyện Củ Chi cho biết, cửa hàng nằm trên địa bàn "vùng xanh" nên đã mở cửa kinh doanh được khoảng gần một tuần nay. Tuy nhiên, cửa hàng cũng không duy trì mô hình kinh doanh như trước mà chuyển sang hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và khách hàng có thể đến nhận hàng hoặc nhận hàng tại nhà, thực hiện thanh toán trả sau.

"Với hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, cửa hàng có thể giới thiệu những mặt hàng có sẵn hoặc không có nguồn cung cho hàng khách hàng dễ dàng mua sắm hơn. Tiếp theo, cửa hàng chuẩn bị và soạn sẵn đơn hàng, xuất hóa đơn, thông báo giá trị đơn hàng trước nên khá tiện lợi cho khách hàng trong quy trình thanh toán, cũng như thực hiện giãn cách mua sắm, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19", anh Thanh Tâm chia sẻ thêm.

Ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, những cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu quay lại thị trường. Điển hình, cửa hàng Starbucks Reserve Bar Hàn Thuyên, Quận 1 là cửa đầu tiên trong chuỗi thương hiệu này đã mở cửa tái hoạt động.

Cửa hàng Starbucks Reserve Bar Hàn Thuyên hoạt động với mô hình "bán mang về" nên khách hàng hiện nay chủ yếu là đội ngũ người giao hàng (shipper). Ngoài ra, cửa hàng này, triển khai tổ chức kinh doanh tuân thủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nên một số khách hàng phải xếp hàng khá lâu để đến lượt mua và chỉ phục vụ trong khung thời gian theo đúng quy định của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống tại "vùng xanh", cũng đã sẵn sàng trở lại thị trường nhưng vẫn khá thận trọng. Cụ thể, những đơn vị này chỉ mở cửa phục vụ chủ yếu vào buổi sáng trong ngày và chuẩn bị hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu một số khách hàng nhất định, hoặc đơn đặt hàng trước.

Song song với mở cửa hàng phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp, hầu hết đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống đều tiếp tục duy trì và đẩy mạnh kênh bán hàng online trên các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, đầu mối mua chung... Đồng thời, không ngừng nỗ lực kết nối lại chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu... để tăng số lượng và chất lượng phục vụ khách hàng sau thời gian dài tạm ngưng bán buôn.

Theo chị Liên Hương, chủ cửa hàng phở trên đường Điện Biên Phủ, Quận 3, trong giai đoạn giãn cách xã hội, khách hàng chia sẻ khó khăn với đơn vị kinh doanh nên họ không yêu cầu cao về chất lượng và sẵn sàng "bỏ qua" nếu thiếu một số nguyên liệu nào đó. Tuy nhiên, hiện nay ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh đang từng bước mở cửa an toàn trở lại, nên khách hàng sẽ yêu cầu chất lượng và năng lực phục vụ như thời điểm bình thường, cũng như tốt hơn.

Cùng quan điểm, chị Cát Nguyên, tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ở góc độ người tiêu dùng thì cũng phải mấy tháng chờ đợi mới được thưởng thức những món ngon khi các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống quen thuộc mở cửa trở lại. Do đó, nếu đơn vị kinh doanh tái mở cửa hoạt động mà không đảm bảo chất lượng thì có thể bị mất khách hàng và gây tâm lý thất vọng cho người tiêu dùng.

*Đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới Những yêu cầu mới của thị trường và đòi hỏi của người tiêu dùng, không chỉ đặt ra bài toán khó cho đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, mà ngay cả doanh nghiệp, nhà bán lẻ lớn hay mạng lưới chợ truyền thống cũng phải không ngừng nỗ lực để "lấy lại" khách hàng. Trong đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ  Chí Minh (Saigon Co.op) đang tăng cường hàng loạt xe buýt "Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá" để kịp thời giao hàng đến người tiêu dùng.

Theo phân tích của bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food, điểm mới của mô hình này, là có bổ sung thêm khâu vận chuyển giao hàng tận nơi phân bổ hàng hóa đến tay người dân được nhanh chóng hơn. Trong đó, chính quyền địa phương chỉ cần có đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, thay vì vừa phải tung lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân.

Mặt khác, đảm bảo mục tiêu điều tiết tốt lượng khách và thực hiện việc kiểm soát quy định về phòng chống dịch COVID-19 thêm hiệu quả, hệ thống siêu thị "vùng xanh" của Saigon Co.op chưa phục vụ khách vãng lai tự do, mà chỉ phục vụ khách hàng cá nhân có giấy giới thiệu hoặc phiếu đi chợ do chính quyền địa phương cấp; đồng thời, một số siêu thị còn thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship), sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.

Còn Satramart - siêu thị Sài Gòn, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh đã kết hợp Công ty cổ phần Be Group để đưa "siêu thị thu nhỏ" của mình xuất hiện ở mục "đi chợ" trên ứng dụng Be. Trong đó, Satramart đưa vào dịch vụ giao hàng kết hợp với Be Group với 12 combo được thiết kế sẵn. Ngoài bán hàng theo combo trên ứng dụng Be, Satramart – siêu thị Sài Gòn cũng bán những combo này trên ứng dụng G1 Mart.

Trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại địa bàn dân cư, vừa mới đây, UBND quận 5, Tp. Hồ Chí Minh cũng phối hợp với một số đơn vị khác, mở "Phiên chợ dã chiến" tại khu vực ngã tư Trần Bình Trọng - Nguyễn Trãi thuộc phường 3. Vì vậy, những người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 được phát phiếu đi chợ, mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày.

"Phiên chợ dã chiến" này, hoạt động tập trung vào mỗi buổi sáng đến 12 giờ cùng ngày, dự kiến phục vụ khoảng 500 hộ gia đình với tiêu chí phi lợi nhuận, trợ giá cho người dân; đồng thời, trước mắt "Phiên chợ dã chiến" sẽ ưu tiên tổ chức luân phiên ở những khu phố, phường thuộc "vùng xanh" trên địa bàn quận 5.

Đánh giá về thị trường Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho rằng, nhìn chung ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước mở lại hoạt động giao dịch, kinh doanh đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Chính vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn doanh nghiệp, nhà bán lẻ uy tín để vừa ủng hộ những đơn vị kinh doanh chung tay cùng chính quyền Tp. Hồ Chí Minh bình ổn thị trường, vừa tránh trở thành "nạn nhân" của những đối tượng buôn bán trục lợi và đẩy giá cả hàng hóa trong bối cảnh thị trường biến động nguồn cung hàng hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục