Các nhà khoa học hiến kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

18:09' - 25/03/2022
BNEWS Trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Ngày 25/3, tại Cần Thơ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long bình thường mới - vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ trí thức”.

 

Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Xây dựng hạ tầng kinh tế, phát triển nông nghiệp đa dạng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm chủ công nghệ 4.0...

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết, với trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu long đã nỗ lực tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung khai thác mọi nguồn lực xã hội trong tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ngang tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Thông qua Hội thảo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ sẽ tập hợp các  giải pháp hay, khả thi, hiệu quả để hiến kế cho Trung ương, Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện “bình thường mới”, thích ứng với dịch COVID-19; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp hơn cho sự phát triển của vùng.

Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đội ngũ trí thức đông đảo, với 18.921 người có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, bác sỹ, dược sỹ nghiên cứu khoa học… Đây là đội ngũ có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới thông qua các giải pháp hữu hiệu đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng.

Trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Các tỉnh, thành phố cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn… Tiêu biểu như, Đề án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ vừa được triển khai.

Đa phần ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất xoay quanh các giải pháp cấp thiết: Thực hiện Quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp tổng thể của Trung ương.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương phải đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng, cần xác định rõ nơi nào, ngành nào có lợi thế mạnh hơn để phát triển kinh tế và liên kết tốt hơn.

Các địa phương huy động tối đa nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, xem đây là khâu đột phá trong việc phát triển bền vững vùng.

Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn nhiều hơn mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển đi đôi với việc đảm bảo cuộc sống người dân ổn định và khá giả, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh, thành phố cần chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên (thuận thiên), trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, nhà khoa học có vai trò trọng yếu, then chốt, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Đặc biệt cần gắn kết, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, rộng hơn là tiểu vùng sông Mekong thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng… Từ đó thu hút vốn, con người, công nghệ, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ vùng.

Các đơn vị truyền thông đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của sự phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ đó tạo chuyển biến về nhận thức, dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động, vận động nhân dân tích cực tham gia vào chuyển đổi quy mô lớn, phát triển chuỗi giá trị cho toàn vùng, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình kinh tế “thuận thiên” phát huy hiệu quả trong thời gian qua như, mô hình “lúa-tôm”, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục