Các nhà sản xuất chip tăng giá trước áp lực mở rộng quy mô sản xuất

05:30' - 28/08/2021
BNEWS TSMC, "người khổng lồ" sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo với các khách hàng về việc tăng giá sản phẩm trong bối cảnh các công ty bán dẫn toàn cầu đang tăng lượng hàng lưu kho.

TSMC, "người khổng lồ" sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo với các khách hàng về việc tăng giá sản phẩm trong bối cảnh các công ty bán dẫn toàn cầu đang tăng lượng hàng lưu kho và đẩy mạnh kế hoạch mở thêm nhà máy mới để ứng phó với tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Theo tin tức của tờ Liberty Times, TSMC sẽ tăng giá chip với mức tối đa là 20% - mức tăng giá mạnh nhất của công ty từ trước tới nay. Khung thời gian tăng giá và mức tăng khác nhau sẽ tùy thuộc vào từng đối tác. Đối với một số công ty, mức tăng giá đã có hiệu lực ngay lập tức.

TSMC và các công ty bán dẫn khác của Đài Loan đã tăng giá chip hơn 10% từ mùa Thu năm ngoái đến mùa Xuân năm nay. Nhưng với nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu tiếp tục gây sức ép lên nguồn cung, TSMC quyết định tăng giá mạnh lần nữa.

Ứng phó với tình hình giá chip "leo thang"

Giới quan sát dự đoán, động thái trên của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá hàng điện tử thành phẩm.

Bên cạnh đó, lo ngại về khả năng sinh lời giảm trong thời gian tới cũng có thể là lý do khiến TSMC tăng giá chip. Công ty có kế hoạch đầu tư nhiều dự án mới trị giá 100 tỷ USD từ nay đến năm 2023. Các nhà máy mới làm dấy lên lo ngại về khả năng sụt giảm lợi nhuận khi TSMC chuẩn bị đẩy mạnh hoạt động mở rộng ra nước ngoài. Hiện nay, công ty vẫn duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng cao 36% trong quý II/2021.

Một thành viên của ban điều hành TSMC cho biết, việc sản xuất ở Mỹ và Nhật Bản "sẽ rất tốn kém". Công ty có kế hoạch triển khai một cơ sở sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở bang Arizona (Mỹ) và đang xem xét xây nhà máy chip ở tỉnh Kumamoto của Nhật Bản.

Thị trường chất bán dẫn đã chứng kiến những giai đoạn biến động lớn trong quá khứ. Tình trạng công suất dư thừa kéo dài dai dẳng đã khiến nhà sản xuất lao đao trong nhiều năm sau khi thị trường hạ nhiệt. Các nhà máy mới cần 2-3 năm để có thể đưa vào hoạt động, và các dự án này có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các công ty trong dài hạn.

Nhu cầu về chất bán dẫn đang ngày càng tăng trong các lĩnh vực khác nhau như ô tô và thiết bị điện tử, và TSMC đang nỗ lực ứng phó với tình trạng thiếu chip toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng khiến việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn ổn định trở thành một vấn đề mang tính chiến lược với nhiều quốc gia và doanh nghiệp.

Chiều hướng gia tăng kỷ lục lượng hàng lưu kho  

Sản xuất chip là một hoạt động kinh doanh theo chu kỳ. Hoạt động này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua khi máy tính len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội. Xu hướng số hóa nền kinh tế cùng với sự phát triển của mạng viễn thông 5G làm tăng nhu cầu về chất bán dẫn trong các lĩnh vực khác nhau như ô tô và thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn ổn định trở thành một vấn đề mang tính chiến lược với nhiều quốc gia và doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch COVID-19, người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến, đăng nhập vào các cuộc họp từ xa và bỏ ra hàng giờ cho việc phát video và chơi trò chơi điện tử trực tuyến. Kết quả là nhu cầu về chip cho các trung tâm dữ liệu và các thiết bị phục vụ cho các hoạt động nói trên tăng vọt. Trong khi đó, việc các quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế xã hội để phòng dịch đã khiến hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á trì trệ, không đạt công suất tối đa. Điều này khiến cho các nhà máy không kịp thực hiện các đơn đặt hàng.

Các nhà sản xuất ô tô là một trong những "nạn nhân" chịu tác động nhiều nhất của tình cảnh thiếu chip trên toàn cầu. Khách hàng lớn của TSMC như nhà sản xuất ô tô Toyota Motor đã thông báo cắt giảm sản lượng do thiếu linh kiện bán dẫn. Hiện nay, các công ty đều đang đẩy mạnh năng lực sản xuất để giảm bớt tình trạng thiếu hụt chip vốn đang khiến chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất hàng điện tử bị gián đoạn. Riêng TSMC đã tối ưu hóa dây chuyền sản xuất trong nửa đầu năm 2021, mở rộng hoạt động sản xuất chip ô tô thêm 30% so với một năm trước đó.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng hàng lưu kho của 9 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đạt mức cao kỷ lục 64,7 tỷ USD, với việc các nhà sản xuất chip tăng dự trữ nguyên liệu thô để thúc đẩy sản xuất. Số liệu của 7 công ty lớn trong ngành cho thấy, tỷ trọng nguyên liệu thô trong tổng hàng lưu kho đã tăng đều đặn kể từ tháng 3/2019 lên mức cao nhất từ trước đến nay là 24% vào cuối tháng 3/2021.

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng, việc hàng lưu kho ngày càng tăng không thực sự phản ánh chính xác nhu cầu chip thực tế. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất ô tô hiện đang chuyển từ chiến lược Just in time (các bộ phận cấu tạo của sản phẩm sẽ được chuyển đến các nhà máy theo đúng yêu cầu, giảm thiểu nhu cầu lưu kho) sang tích trữ hàng dự phòng trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Phó Chủ tịch điều hành Honda Motor Seiji Kuraishi cho biết, công ty có thể cần phải thay đổi cách tiếp cận về hàng tồn kho, chẳng hạn như tăng cường thêm các nhà cung cấp chip. Nhà sản xuất thiết bị điện tử Fujitsu General cũng đã tăng lượng hàng tồn kho chip và các linh kiện, vật liệu khác thêm khoảng 20% trong quý II/2021. Theo Phó Chủ tịch Fujitsu, ông Hiroshi Niwayama, công ty đang đảm bảo có nhiều linh kiện hơn để đề phòng trong trường hợp tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn kéo dài.

Các nhà sản xuất chip lo lắng rằng xu hướng này nếu gia tăng thì sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa trong dài hạn. Các chỉ báo đỏ đã xuất hiện trong lĩnh vực chip nhớ, với một số nhà sản xuất chủ chốt bao gồm Micron Technology và SK Hynix cho biết, lượng hàng lưu kho bắt đầu giảm dần. Các đơn đặt hàng điện thoại thông minh toàn cầu, sử dụng chip nhớ, cũng giảm rõ rệt trong tháng 4-6/2021.

Nhà phân tích Akira Minamikawa tại công ty nghiên cứu Omdia nhận định, nguồn cung chip nhớ có thể sẽ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm 2022, khiến giá cả giảm xuống. Giá cổ phiếu của Samsung và Micron đã giảm trong tháng Tám này khi các nhà đầu tư dự đoán sẽ có một đợt điều chỉnh trên thị trường chip.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà sản xuất chip hàng đầu vẫn đang thu lời rất lớn từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. 10 công ty hàng đầu trong ngành tính theo vốn hóa thị trường đã ghi nhận lợi nhuận ròng 276 triệu USD trong quý II/2021, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý thứ sáu liên tiếp tăng trưởng dương./.

Mai Ly (Theo Nikkei Asia Review)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục