Các nước ASEAN nhất trí chia sẻ thông tin hạn chế khói mù

19:54' - 04/05/2016
BNEWS Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo tiểu vùng cấp bộ trưởng (MSC) về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới diễn ra tại Singapore đã đạt tiến bộ về vấn đề chia sẻ thông tin.
Khói mù bao phủ nhiều thành phố tại Đông Nam Á. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 4/5, Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên nước Singapore, ông Masagos Zulkifli, cho biết cuộc họp kín trên có sự tham gia của các bộ trưởng môi trường đến từ Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Tại hội nghị, các bộ trưởng thảo luận về những vấn đề chủ chốt liên quan đến các biện pháp ngăn chặn khói mù tại 5 nước thuộc MSC, trong đó có công tác triển khai Hệ thống Giám sát khói mù tiểu vùng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), huy động cộng đồng quốc tế trợ giúp nỗ lực dập tắt đám cháy rừng và trao đổi thông tin giữa các nước.

Bộ trưởng Zulkifli cho biết thêm thỏa thuận lớn nhất đạt được trong hội nghị lần này là việc các nước nhất trí chia sẻ thông tin về các điểm nóng tại nước họ. 

Cũng tại hội nghị, các bộ trưởng thông báo sẽ tiến hành nghiên cứu tác động của khói mù đối với kinh tế, sức khỏe và xã hội năm 2015 tại khu vực ASEAN.

Nghiên cứu này được cho là quan trọng đối với các nước ASEAN nhằm đánh giá tình trạng khói mù năm 2015 và giúp các quốc gia có thể có được những dữ liệu căn bản về xã hội, sức khỏe và kinh tế, từ đó hiểu được ảnh hưởng của vấn đề khói mù xuyên biên giới.

Theo Bộ trưởng Zulkifli, các nước bị ảnh hưởng khói mù đang thu thập nhiều thông tin khác nhau, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Singapore đang nghiên cứu ảnh hưởng của khói mù lên ngành du lịch, trong khi Indonesia nhận thấy sản lượng nông nghiệp giảm có liên quan đến khói mù. 

Bên cạnh đó, hội nghị cũng lưu ý rằng các nước MSC cam kết duy trì thận trọng và liên tục giám sát cũng như tăng cường các nỗ lực phòng ngừa nhằm giảm thiểu mọi nguy cơ xảy ra khói mù xuyên biên giới do cháy rừng và cháy đất, đề phòng thời tiết hanh khô hơn trong những tháng tới 

Vấn đề khói mù tồn tại ở khu vực này trong hàng thập kỷ qua, với chất lượng không khí tiếp tục đi xuống trong những năm gần đây. Năm 2013, Chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm đo được (PSI) trong 24h, đo chất lượng không khí của Singapore, lên tới mức kỷ lục hơn 400.

Với khói mù xuất hiện thường xuyên trong hơn 2 tháng do thời tiết hanh khô, năm 2015 trở thành một trong những năm bị khói mù tồi tệ nhất trong khu vực. 

Ngoài ảnh hưởng đến môi trường, khói mù còn gây tổn thất lớn về kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế do cháy rừng tại Indonesia năm ngoái lên tới ít nhất 16 tỷ USD, tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Là một nạn nhân của khói mù, Singapore thiệt hại hơn 500 triệu USD vào năm ngoái.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng đặc biệt của ASEAN, lượng mưa có thể từ mức bình thường hoặc cao hơn bình thường trong mùa mưa năm nay khi hiện tượng El Nino dự kiến kéo dài đến giữa năm 2016 và La Nina xảy ra từ tháng 7-9 tới.

Bộ trưởng Zulkifli nhấn mạnh điều này có thể giảm thiểu tình trạng khói mù năm nay./. 

>>> Kinh tế Đông Nam Á “khó thở” do khói mù

>>> Khói mù tại Indonesia đã lan tới miền Nam Philippines

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục