Các nước châu Phi tìm kiếm nguồn tài trợ từ IMF

07:02' - 02/10/2018
BNEWS Trang mạng dailymaverick.co.za đăng bài phân tích về việc các nước châu Phi, vốn đang gánh chịu các khoản nợ lớn, một lần nữa hướng đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm giải pháp.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trong bối cảnh tài trợ của Trung Quốc cho châu Phi đang ngày càng tăng, IMF - “thể chế cũ” vốn chịu nhiều chỉ trích đang trở lại lục địa đen. Năm 2014, trước khi tài trợ của Trung Quốc đối với châu Phi tăng đột biến – thời điểm tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi 2015 (FOCAC 2015), 15 nước châu Phi đã vay IMF tổng cộng 5,39 tỷ USD. Hiện nay, 20 nước châu Phi đang gánh chịu khoản nợ 15,4 tỷ USD. Nhiều quốc gia với các khoản nợ lớn như Angola, Zimbabwe, Mozambique và Cộng hòa Congo đang tìm đến IMF để tìm lời giải.

Hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức) trích dẫn ý kiến của các nhà kinh tế cho biết, sau một vài năm để Trung Quốc lấn sân trong tài trợ cho châu Phi, IMF đã trở lại lục địa này. Thực tế là giá cả hàng hóa giảm và lãi suất tăng cao đối với các khoản vay đang đẩy một số nước châu Phi vào cuộc khủng hoảng mất khả năng trả nợ giống như trong những năm 1980 và 1990.

Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara năm 2018 của IMF cho thấy đến cuối năm 2016, nợ công của 22 nước thuộc khu vực này đã tăng trên 50% GDP, trong khi năm 2013 chỉ có 10 nước thuộc mức này. Chi phí giải quyết nợ đang ngày càng trở thành một gánh nặng, đặc biệt là đối với các nước sản xuất dầu mỏ. Theo ước tính, năm 2017, chi phí trả nợ chiếm hơn 60% nguồn thu của chính phủ các nước Angola, Gabon và Nigeria.

Trong cuộc khủng hoảng nợ vào những năm 1980 và 1990, nhiều nước châu Phi đã hướng đến các khoản cứu trợ tài chính của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với những điều kiện ngặt nghèo. Theo các điều khoản cam kết với hai thể chế tài chính này, các nước châu Phi đã phải mở cửa nền kinh tế đối với thương mại quốc tế, thả nổi đồng tiền nội địa và cắt giảm đáng kể chi tiêu công. Những biện pháp này không thực sự giúp giải quyết các khó khăn kinh tế của châu Phi.

Sau đó, Trung Quốc bắt đầu mở rộng sự ảnh hưởng tại châu Phi với tư cách là một nhà tài trợ lớn. Từ khi FOCAC ra mắt vào năm 2000, Bắc Kinh đã liên tục “đổ tiền” vào châu Phi. Các khoản vay chịu lãi suất của Trung Quốc dành cho châu Phi đã tăng từ gần như không có gì trong năm 2000 lên 18 tỷ USD năm 2013 và 30 tỷ USD năm 2016. Đây là một phần của khoản hỗ trợ tài chính 60 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết dành cho châu Phi - bao gồm cả tài chính ưu đãi - tại FOCAC 2015 ở Johannesburg, Nam Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2018 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một gói tài trợ mới với tổng trị giá 60 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ hỗ trợ tài chính ưu đãi trong cam kết mới đã tăng lên - dấu hiệu thể hiện sự nhạy cảm của Bắc Kinh đối với những chỉ trích rằng các khoản vay lớn của họ đang trở thành gánh nặng cho một số nền kinh tế châu Phi.

Nhiều nước châu Phi và các nhà kinh tế tin rằng với phương pháp tiếp cận khác biệt và cấp tiến hơn so với những gì IMF và WB đã và đang áp dụng, các khoản vay của Trung Quốc có thể sẽ giải quyết được các vấn đề kinh tế của châu Phi. Thay vì các điều kiện ngặt nghèo, Trung Quốc luôn tự hào - cùng với sự vui mừng của chính phủ nhiều nước châu Phi - về việc cho vay hoặc hỗ trợ tài chính mà không kèm theo ràng buộc rõ ràng. Hỗ trợ tài chính của cường quốc châu Á cũng tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Nhà nghiên cứu Deborah Brautigam, Giám đốc của chương trình Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc (CARI) thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao, Đại học Johns Hopkins cho biết: “Giai đoạn 2000 – 2016, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ ít nhất 74 tỷ USD đối với giao thông (đường bộ, đường sắt, cửa khẩu và cảng biển) và các dự án điện.”

Chẳng hạn, sau FOCAC 2015, một số khoản vay được ký kết bao gồm gói tín dụng ưu đãi trị giá 337,6 triệu USD dành cho dự án sân bay quốc tế Ndola, Zambia; khoản vay ưu đãi 167,2 triệu USD phục vụ nâng cấp sân bay quốc tế Harare của Zimbabwe và khoản vay ưu đãi 138 triệu USD để phát triển nhà máy điện Mặt trời Garissa 50MW ở Kenya. Theo báo cáo của CARI, khoản cam kết cho vay của FOCAC 2018 có thể cũng sẽ hướng đến các thỏa thuận cơ sở hạ tầng tương tự.

Theo đánh giá của IMF, mặc dù với phương pháp tiếp cận khác biệt của Trung Quốc như đã đề cập ở trên, nhưng số lượng các nước châu Phi phía Nam sa mạc Sahara đang ở trong tình trạng nợ nần hoặc phải đối mặt với nguy cơ nợ nần đã tăng từ 7 nước năm 2013 lên 12 nước năm 2016. Chính vì vậy, các nước châu Phi lại một lần nữa hướng đến IMF để tìm kiếm các gói cứu trợ.

Dường như các khoản vay của Trung Quốc dành cho các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ không giúp được gì. Nhiều nhà phân tích tin rằng các khoản cho vay này của Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề của châu Phi do làm phát sinh các khoản nợ đối với các dự án vượt quá khả năng của các nước và có lẽ không thực sự cần thiết.

Một số nhà phân tích thậm chí còn nghi ngờ Trung Quốc đang triển khai một chiến lược có chủ ý để đưa các nước châu Phi và một số nước khác vào bẫy nợ, dẫn đến các nước đi vay sẽ phải nhượng các tài sản chiến lược quan trọng, chẳng hạn các cảng, cho Bắc Kinh như một phương thức trả nợ.

Tin đồn đang lan tràn trên các phương tiện truyền thông Zambia - và bị chính phủ nước này quyết liệt phủ nhận – về việc để trả nợ, sân bay quốc tế Lusaka sẽ phải đặt dưới sự quản lý của Trung Quốc. Bằng cách ký cam kết về sản xuất dầu trong tương lai với Trung Quốc để trả các khoản nợ lớn, Angola thường được nhắc đến như một ví dụ điển hình của một nước sản xuất dầu mỏ ở châu Phi đã “thế chấp tương lai”.

Giám đốc CARI Deborah Brautigam không tin vào những tuyên bố chống lại Trung Quốc như vậy và cho rằng đó là những tuyên truyền của các đối thủ phương Tây bởi Trung Quốc thường xóa nợ đối với các khoản vay không lãi suất dành cho các nước châu Phi - mặc dù các khoản vay không lãi suất chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số các khoản cho vay của Trung Quốc. Không rõ Trung Quốc sẽ làm gì nếu một nước châu Phi lâm vào tình trạng vỡ nợ đối với các khoản vay chịu lãi suất. 

Theo bà Brautigam, năm 2015, 17 nước châu Phi dường như không thể hoàn trả khoản vay của họ. Các khoản vay của Trung Quốc dành cho 8/17 nước này gồm Burundi, Gambia, Cape Verde, Cộng hòa Trung Phi, São Tomé và Principe, Nam Sudan, Chad và Mauritania là tương đối nhỏ và không phải là nguyên nhân chính gây ra vấn đề nợ đối với các nước này. 

Các khoản vay của Trung Quốc dành cho 6/17 nước khác trong nhóm như Ethiopia, Ghana, Mozambique, Cameroon, Zimbabwe và Sudan tuy lớn hơn nhưng chính phủ các nước này cũng đã vay rất nhiều từ các chủ nợ khác.

Giám đốc CARI Brautigam đặc biệt lưu ý đối với 3/17 nước gồm Zambia, Djibouti và Cộng hòa Congo bởi các khoản vay từ Trung Quốc hiện đang là nguyên nhân chính gây ra khối nợ khổng lồ của ba nước này. Nếu như các chủ nợ bị đổ lỗi về núi nợ của nước đi vay, thì không chỉ riêng Trung Quốc mà nhiều quốc gia và thể chế khác cũng phải chia sẻ trách nhiệm. 

Nhưng các khoản vay vô điều kiện hào phóng của Trung Quốc dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh như kỳ vọng trước đó của nhiều người, một phần vì những nhà quan sát đã không đánh giá đúng khả năng tận dụng các khoản vay của các nước châu Phi.

Do đó, nhiều chính phủ các nước châu Phi đang một lần nữa hướng đến IMF – thể chế cũ với nhiều điều kiện phiền phức. Lần này, IMF không quá khắt khe về điều kiện các nước mở cửa nền kinh tế đối với thương mại quốc tế nhưng thể chế quốc tế này vẫn khẳng định nếu muốn tiếp cận các khoản vay, các nước châu Phi vẫn phải cắt giảm chi tiêu công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục