Tham nhũng đe dọa "giấc mơ" xóa đói, giảm nghèo của châu Phi

06:30' - 21/09/2018
BNEWS Tham nhũng, giống như biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại mùa màng, là mối đe dọa lớn đối với giấc mơ xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 của châu Phi.
Người dân chờ lương thực cứu trợ tại Gode, đông nam Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN 
Theo bài viết trên trang mạng allafrica.com, các nhà lãnh đạo và chuyên gia đánh giá chính trị "bẩn" và sự yếu kém trong quản lý nguồn tài nguyên đang ảnh hưởng xấu đối với ngành nông nghiệp, dẫn đến sự mất an ninh lương thực liên tục ở Lục địa Đen.
Ngày 8/9, phát biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn Cách mạng Xanh châu Phi tại Kigali (Rwanda), cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Phi Jendayi Frazer cho biết tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp và bổng lộc của các chính trị gia, quan chức chính phủ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực.
Tiến sĩ Frazer, đồng thời là đối tác quản lý của Africa Exchange Holdings - tổ chức hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường và hỗ trợ các cơ hội tài chính - cho biết tính chịu trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp là mấu chốt để châu Phi loại bỏ nạn đói triền miên hiện nay.
Phát biểu tại diễn đàn, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu - cho rằng dành ưu tiên chưa đúng chỗ, chính sách chưa phù hợp và sự yếu kém về quản lý tài nguyên trong lĩnh vực nông nghiệp đang gây thiệt hại cho sản xuất lương thực ở châu Phi. Ông nói: "Thật đáng buồn khi hàng triệu người ở châu Phi vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống mặc dù có nhiều đất canh tác màu mỡ". 
Chủ tịch Quỹ Rockefeller Rajiv Shah cho biết tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp có thể cản trở giấc mơ đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2030 của châu Phi. Ông nhấn mạnh: "Thực tế là tham nhũng đã bám rễ sâu vào lĩnh vực nông nghiệp và các nhà lãnh đạo cần phải có bước đi quyết liệt để xóa bỏ hiện trạng này".
Theo Tiến sỹ Shah, nếu xử lý thỏa đáng nạn tham nhũng, sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển ngay cả khi đối mặt với biến đổi khí hậu và các mối đe dọa khác, chẳng hạn như khi nông dân sử dụng đúng loại phân bón và chính phủ quản lý tốt các nguồn lực sẵn có, sản xuất lương thực ở châu Phi sẽ được cải thiện.
Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) Gilbert Houngbo đánh giá hầu hết các nước châu Phi đang huy động rất nhiều nguồn lực nhưng nông dân quy mô nhỏ, vốn đang cung cấp 80% lương thực và nông sản trên toàn lục địa, lại rất ít khi được tiếp cận các nguồn lực này.
Theo cựu Thủ tướng Togo Gilbert Houngbo, các nước châu Phi huy động nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp nhưng thách thức lớn nhất là đưa được các nguồn lực này "xuống đất". Nếu không đặt cộng đồng nông thôn ở vị trí trung tâm của hoạch định kế hoạch thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của châu Phi trong 12 năm sẽ "vẫn chỉ là một giấc mơ".
Tại hội nghị lần thứ 30 của Hội đồng Các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ thuộc Liên minh châu Phi (AU) được tổ chức vào đầu năm nay tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, năm 2018 được chọn là năm đấu tranh chống tham nhũng, bởi nạn tham nhũng là một trở ngại đối với phát triển bền vững của châu lục này.
Báo cáo thực trạng nông nghiệp châu Phi 2018 cho biết nhiều nước châu Phi đang đầu tư vào các dự án lớn để có thể nhanh chóng nhận được "tiền lót tay" trong khi phớt lờ nông dân sản xuất nhỏ vốn đang góp phần cung cấp lương thực cho toàn bộ đất nước.
Báo cáo thực trạng nông nghiệp châu Phi năm 2018 cảnh báo rằng các nước châu Phi sẽ phải vật lộn nhằm phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trừ khi có sự liên kết giữa ý chí chính trị cấp cao với hành động của chính phủ để giúp nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
Tại Kenya, tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp - dưới các biểu hiện từ phân phối phân bón giả đến nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm lậu tràn ngập thị trường - đang ảnh hưởng xấu đến nông dân địa phương.
Bộ trưởng Nông nghiệp Kenya Richard Lesiyampe và cựu Giám đốc quản lý của Ủy ban Ngũ cốc và Nông sản quốc gia Kenya (NCPB) Newton Terer hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc mua ngô trị giá khoảng 56 triệu USD cho thấy hàng ngàn nông dân bị ăn chặn bởi các tập đoàn và quan chức nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục