Các nước Vùng Vịnh ứng phó khả năng giá dầu thấp dài hạn

09:51' - 13/12/2018
BNEWS Các quốc gia Vùng Vịnh cần sẵn sàng với kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Thông điệp này được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Chiến lược Arab diễn ra ngày 12/12 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giới phân tích cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chậm lại là hai yếu tố có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa dầu khí đá phiến và các nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ đẩy giá dầu xuống thấp hơn. Điều này được dự báo sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng của toàn bộ khu vực Vùng Vịnh.

Hiện sáu nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE - vẫn phụ thuộc tới 80% nguồn thu vào dầu khí. Khu vực Vùng Vịnh đã thiệt hại hàng trăm tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ trong cuộc khủng hoảng giá “vàng đen” hồi giữa năm 2014.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Mahmoud Mohieldin cảnh báo các nước khu vực Vùng Vịnh vẫn phụ thuộc đáng kể vào các động thái liên quan đến giá dầu.

Nếu giá “vàng đen” suy giảm, triển vọng tăng trưởng của các nước Vùng Vịnh có thể phải điều chỉnh thấp hơn so với dự báo tăng trưởng quanh mức 3% năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ Arab hiện là 30%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới cao hơn; tăng trưởng kinh tế đang không tạo đủ việc làm, theo ông Mohieldin.

Giá dầu tính đến nay đã giảm hơn 25% so với mức “đỉnh” trong bốn năm là hơn 85 USD/ thùng được ghi nhận vào tháng 10/2018.

Trong khi đó, truyền thông khu vực Trung Đông ngày 12/12 đưa tin Saudi Arabia đang theo đuổi việc thành lập một liên minh với sáu nước có đường biên giới giáp Biển Đỏ và Vịnh Aden, một khu vực có vị trí chiến lược và quan trọng đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn tin trên cho biết các đại diện đến từ Ai Cập, Djibouti, Somalia, Sudan, Yemen và Jordan đã nhóm họp ở Riyadh ngày 12/12 để thảo luận về sáng kiến trên, song chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng. Một nhóm chuyên gia dự kiến sẽ sớm gặp nhau ở Cairo để tiến hành các cuộc đàm phán kỹ thuật.

Phát biểu với báo giới sau các cuộc họp kín diễn ra trong một ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết: “Đây là một phần trong các nỗ lực của Saudi Arabia nhằm bảo vệ những lợi ích của đất nước cũng như lợi ích của các nước láng giềng…, đồng thời để ổn định khu vực và xây dựng sự tương trợ lẫn nhau giữa nhiều quốc gia…”

Theo ông Jubeir, mục đích cần hướng tới là tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia trong khu vực và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với khu vực này.

Trong khuôn khổ nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, cũng tại cuộc họp trên, Saudi Arabia đã công bố một số dự án lớn ở dọc vùng Biển Đỏ, trong đó có một đặc khu kinh tế hợp tác đầu tư cùng với Ai Cập và Jordan trị giá 500 tỷ USD.

Biển Đỏ bao gồm cả eo biển Bab al-Mandeb, ước tính có 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày được chuyên chở qua đây để tới châu Âu, Mỹ và châu Á.

>>>Kinh tế vùng Vịnh bấp bênh do ảnh hưởng của giá dầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục