Các quy định xử phạt vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực bưu chính

07:31' - 22/04/2022
BNEWS Việc áp dụng giá cước không đúng với giá cước đã đăng ký, kê khai, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường bưu chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức hội nghị Phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính với hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 3/2/2020, Chính phủ ban hành nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

 

Đến nay, theo ghi nhận thực tế, tình trạng cạnh tranh giảm giá nhằm giành thị phần gây nên hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động bưu chính.

Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động bưu chính cạnh tranh lành mạnh là cần thiết. 

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành nghị định số 14/2022/NĐ-CP có nội dung về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Theo quy định mới về về hình thức xử phạt, mức phạt tiền là 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính trong trường hợp: Doanh nghiệp có thay đổi thông tin so với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật; Doanh nghiệp thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi doanh nghiệp có thay đổi một trong số các nội dung doanh nghiệp đã thông báo về hoạt động bưu chính.

Nghị định 14/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính mức giá cước của các dịch vụ bưu chính.

Việc áp dụng giá cước không đúng với giá cước đã đăng ký, kê khai, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường bưu chính.

Theo thống kê của Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, có trên 700 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động hợp pháp trên thị trường bưu chính Việt Nam.

Một trong số vấn đề tồn tại của hoạt động bưu chính thời gian qua là tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh diễn ra rất phức tạp.

Trong quy tại Điều 29, Luật Bưu chính, các doanh nghiệp bưu chính phải thực hiện quyền kiểm tra bưu gửi khi nhận hàng. Tuy nhiên, khi thương mại điện tử bùng nổ, hàng trăm triệu gói hàng, bưu kiện, bưu phẩm… cần được chuyển phát nhanh mỗi ngày thì việc kiểm tra từng bưu gửi khi nhận hàng hóa gửi đối với các nhân viên bưu điện tại bưu cục là không khả thi.

Hiện nay, chỉ có vài doanh nghiệp bưu chính lớn mới có các hệ thống chia chọn bưu gửi cũng như đầu tư hệ thống soi chiếu. Còn lại, đa số các doanh nghiệp bưu chính chỉ kiểm đếm các bưu gửi, bưu phẩm, gói hàng bằng mắt, bằng tay.

Do đó, yêu cầu nhân viên của doanh nghiệp bưu chính phát hiện, phân biệt, xử lý hàng giả, thậm chí là hàng cấm trong các các bưu gửi là yêu cầu không phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế,

Trong xu hướng phát triển của thương mại quốc tế, thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng kỹ thuật số, mô hình kinh doanh bưu chính số. Hoạt động của các tập đoàn thương mại nước ngoài cung cấp thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Đi kèm với việc phát triển các nền tảng, dịch vụ bưu chính số là sự xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi vi phạm trên môi trường trực tuyến. Với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thương mại số, các hoạt động bưu chính trở thành nền tảng hậu cần cho thương mại số.

Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng của thương mại điện tử. Khi không thực hiện tốt việc kiểm soát các vi phạm của hoạt động bưu chính số, các doanh nghiệp bưu chính có thể là đối tượng liên đới, thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bưu chính, gây mất an ninh, an toàn và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị cũng trao đổi một số vấn đề về việc cấp phép, thu hồi phép đối với doanh nghiệp đăng ký hoạt đông bưu chính; việc gắn biển, phù hiệu cho xe bưu chính khi lưu thông trên đường, vấn đề vận tải người kèm hàng, vận chuyển hàng của xe trở khách; các quy định về thông tin bắt buộc phải có trên bưu gửi (thời gian, khối lượng, nội dung, chữ ký của người nhận, người gửi), việc thông báo thời gian thanh tra kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp bưu chính; hoàn thiện Hệ thống mã địa chỉ số cho bưu chính; hệ thống đường trục vận tải đa phương thức, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, toàn quốc…

>>>Thao túng thị trường chứng khoán, Chủ tịch Louis Holdings đối mặt với án phạt nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục