Xúc tiến thương mại bài bản giúp hàng Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ

16:06' - 16/07/2025
BNEWS Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng cũng là thị trường có hàng rào kỹ thuật, thuế quan và quy định nhập khẩu nghiêm ngặt bậc nhất thế giới.
Ngày 16/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức, kết nối các đầu cầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua nền tảng Zoom. 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng cũng là thị trường có hàng rào kỹ thuật, thuế quan và quy định nhập khẩu nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Do vậy, hội thảo lần này đi thẳng vào những vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm, từ xu hướng tiêu dùng, quy định kỹ thuật đến quy tắc xuất xứ, thuế nhập khẩu, logistics, nhất là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhấn mạnh vai trò của hoạt động xúc tiến bài bản, chuyên sâu trong việc tạo lực đẩy mới cho hàng hóa Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm gần đây không ngừng phát triển. Theo số liệu thống kê, năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 122 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 97 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. 

Các mặt hàng chủ lực như dệt may, điện tử, nông sản, thủy sản và đồ gỗ của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế nhờ chất lượng cải thiện, giá cả cạnh tranh và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ. 

Ngược lại, Việt Nam cũng là điểm đến quan trọng của các sản phẩm công nghệ, nông sản và nguyên liệu đầu vào từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ các chính sách thuế quan và rào cản thương mại của các nước, nhất là của Hoa Kỳ. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ, Cục Xúc tiến thương mại, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại NewYork phối hợp với Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các đối tác USABC, Amazon, WayFair,… đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng (bao gồm cả xúc tiến xuất khẩu và xúc tiện nhập khẩu), tập trung vào các hội chợ quốc tế, triển lãm chuyên ngành và các chương trình kết nối doanh nghiệp (B2B) tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ như New York, Los Angeles và Chicago.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, đây là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau cập nhật thông tin tình hình mới nhất về thị trường Hoa Kỳ, thảo luận về cơ hội hợp tác, đồng thời trao đổi về những vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Hơn nữa, với sự chủ động và quyết tâm của doanh nghiệp, cùng với vai trò hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xúc tiến thương mại, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững và mở rộng vị thế tại thị trường Hoa Kỳ - một thị trường xuất khẩu trọng điểm, quan trọng nhất của Việt Nam nhưng cũng đầy tính thử thách.

Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cùng với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực xuất khẩu, quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới và đẩy mạnh kết nối với các đối tác lớn như Hoa Kỳ. Cùng đó, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình khẳng định vị thế hàng Việt trên bản đồ thương mại quốc tế”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng cũng là thị trường có hàng rào kỹ thuật, thuế quan và quy định nhập khẩu nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Doanh nghiệp khi hướng đến thị trường này quan tâm các vấn đề như xu hướng tiêu dùng, quy định kỹ thuật, đến quy tắc xuất xứ, thuế nhập khẩu, logistics; nhất là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới… Vì vậy hoạt động xúc tiến bài bản, chuyên sâu trong việc tạo lực đẩy mới cho hàng hóa Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ là rất cần thiết.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phân tích cụ thể những đặc điểm người tiêu dùng Hoa Kỳ, các nhóm sản phẩm tiềm năng và quy định kỹ thuật cần lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường này. 

Đặc biệt, với xu hướng tương lai, Hoa Kỳ vẫn sẽ là điểm đến quan trọng với các nhà xuất khẩu toàn cầu; thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng hóa từ nước ngoài. Với người tiêu dùng và nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ phải mua hàng hóa nhập khẩu với chi phí cao hơn. Còn với Việt Nam, việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ cũng trở nên khó khăn và nhiều thách thức trong tương lai.

Từ góc độ chính sách, đại diện phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) đã hướng dẫn cụ thể về quy tắc xuất xứ, quy trình kiểm tra hải quan, các chính sách ưu đãi thuế quan. Đây là những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Ngoài ra, các chuyên gia đã tập trung giới thiệu các nền tảng giúp doanh nghiệp Việt đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu toàn cầu, tăng tốc xuất khẩu trực tuyến trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, về các chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ; giải pháp đưa sản phẩm lên Amazon nhằm khai thác hiệu quả hơn kênh thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Đặc biệt là giải pháp xuất khẩu thông qua hệ thống logistics và bán hàng của WayFair - nền tảng bán lẻ nội thất hàng đầu của Hoa Kỳ. Đây được cho là nền tảng sẽ mở ra cơ hội mới cho nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam.

Để ứng phó với thách thức thuế quan mới từ Hoa Kỳ, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất và tiếp thị những sản phẩm thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng. Cùng đó, chú trọng phân khúc thị trường ngách hoặc đặc thù (đơn cử như nhóm hàng hóa được chứng nhận hữu cơ là nhóm có thể bán với giá cao hơn mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả. Đặc biệt, tích cực tham gia các hội chợ và hội nghị thương mại chuyên ngành tại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục