Các quỹ toàn cầu rút khỏi trái phiếu Indonesia

08:05' - 25/03/2024
BNEWS Một lượng lớn vốn đầu tư quốc tế đã được rút khỏi trái phiếu Indonesia sau chiến thắng của ông Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Hãng tin Bloomberg đưa tin các quỹ toàn cầu đã rút 1,1 tỷ USD khỏi trái phiếu Indonesia kể từ khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 14/2, khi kết quả bầu cử không chính thức dựa theo phương pháp kiểm phiếu nhanh cho thấy ông Prabowo đã thắng với tỷ số cách biệt lớn.

Kết quả sơ bộ này đã được khẳng định khi Ủy ban bầu cử quốc gia (KPU) Indonesia chính thức công bố Chủ tịch Đảng Gerindra, ông Prabowo đã giành được 58,6% phiếu bầu.

Doanh số bán ròng trái phiếu Indonesia của nước ngoài được ghi nhận sau ngày bỏ phiếu đã cho thấy người nước ngoài đã thoái vốn nhiều hơn số tiền họ đầu tư vào trái phiếu Indonesia trong thời gian đó.

Trong suốt thời gian tranh cử, ông Prabowo hứa sẽ duy trì kỷ luật tài chính. Tuy nhiên, một số người đặt ra câu hỏi về cách ông thực hiện lời hứa hàng đầu là sẽ tài trợ cho một chương trình toàn quốc về bữa trưa miễn phí ở trường và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.

 

Chương trình này nhắm tới hơn 82 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông cũng như trẻ mới sinh và phụ nữ mang thai. Chương trình dự kiến sẽ tiêu tốn ít nhất 100 nghìn tỷ Rp (6,4 tỷ USD) trong năm đầu tiên và ước tính khoảng 460 nghìn tỷ Rp mỗi năm sau đó để đạt quy mô đầy đủ vào năm 2029. Con số đó sẽ tương đương với 12% ngân sách nhà nước năm nay và khoảng 2% GDP cả nước.

Bloomberg dẫn lời chiến lược gia Danny Suwanapruti của Goldman Sachs: “Các nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ lo ngại về khả năng nới lỏng tài chính của chính phủ mới sắp nhậm chức, khi họ cam kết chương trình bữa trưa miễn phí trong chiến dịch tranh cử mà không có thông tin chi tiết về cách thức thực hiện”.

Giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô thị trường mới nổi tại Global Data TS Lombard, Jon Harrison, cho rằng, mặc dù chương trình này có thể mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài nhưng việc mở rộng tài chính nên được thực hiện “một cách bền vững”. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết vào tháng trước rằng dự báo thâm hụt ngân sách là 2,45-2,8% GDP vào năm 2025, khi chương trình bữa trưa miễn phí bắt đầu.

Khi đó, mức thâm hụt ngân sách sẽ cao hơn nhiều so với năm 2023 ở mức 1,65% GDP. Con số năm ngoái thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu là 2,84% GDP. Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani, thâm hụt ngân sách luôn vượt mục tiêu ban đầu sau đại dịch, phản ánh chính sách tài khóa thận trọng.

Ông Prabowo đã nhiều lần nói rằng Indonesia có đủ khả năng xử lý mức thâm hụt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc tranh luận tổng thống, ông cũng đề xuất việc mở rộng tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia lên 50% là an toàn.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Josua Pardede của Ngân hàng Permata cho rằng sự sụt giảm quyền sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đối với Indonesia là do tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Chuyên gia cho rằng tâm lý đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, còn có sự phân tích của các nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, dự báo khả năng thâm hụt tài chính của Indonesia rộng hơn ước tính, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục